Từ anh thợ hồ đến thu nhập 1.500 USD/tháng
Người ta mất 12 năm đèn sách cho mảnh bằng tú tài, anh mất 25 năm. Những học kỳ đứt đoạn vì khó khăn cuộc sống, cả vì tai nạn suýt tước đi mạng sống... đều không thể đốn ngã anh.
Gia cảnh bần hàn, ba mẹ anh bấm bụng lần lượt cho đi từng đứa con. Bảy cho hết bốn. Thanh còn ẵm ngửa đã là con nuôi. Mặc cảm theo chân thằng nhỏ ốm choắt đến trường. Sổ liên lạc tháng đầu tiên của lớp 4 vừa trả về, nhà gặp khó khăn, Thanh nghỉ. Sang năm cậu bé đòi mẹ nuôi dẫn đi học... lớp 5. Lý do: “Con muốn đi học nhưng không muốn học sau ai!”.
Năn nỉ cô giáo không được, thằng nhỏ lì lợm ham học hôm sau vẫn xách cặp xếp hàng vào lớp. Ban giám hiệu ra điều kiện: cho học nhưng sau hai tuần nhắm không theo kịp thì cho nghỉ. Thanh gật cái rụp.
Nỗ lực bền bỉ, anh thợ hồ Phạm Văn Thanh nay là quản lý dự án mạng của Evolable Asia với thu nhập mơ ước.
Hai tuần đó, Thanh cứ lẹt đẹt với điểm 3. Học yếu nhưng Thanh thà bị điểm thấp chứ không quay bài. Thanh chật vật từng chút một và rồi mùa hè năm ấy Thanh đứng vào top 5 của lớp. Thanh lúc ấy không biết đường học đứt nối là định mệnh viết sẵn cho mình.
Cô giáo lớp 6 ba lần về nhà vận động cho Thanh đi học là ba lần gạt nước mắt ra về. Thanh nghỉ, ở nhà phụ trông em và công việc đồng áng. 15 tuổi, nặng chưa đầy 30 ký, Thanh đi làm hồ, bắt đầu biết đến cái nặng rát da thịt của những bao ximăng. 20 tuổi, anh thợ xây theo cuộc mưu sinh vào Sài Gòn. Người ta nói cứ suy nghĩ, ao ước mãi việc gì thì có ngày ước mơ thành hiện thực.
Với Thanh, mẩu tin tuyển sinh lớp 6 bổ túc văn hóa của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Gò Vấp (TP.HCM) là minh chứng. 23/8/1999, cái ngày anh nhớ như in. Ngày sung sướng, ngày hồi sinh, ngày đi học lại đầu tiên sau tám năm dang dở. Bước vào lớp, thấy có người đã quá ngũ tuần vẫn đi học, anh tin mình còn nhiều hi vọng.
Đó là thời gian vất vả, chật vật nhưng hạnh phúc vô cùng với Thanh. Một năm - ngày làm hồ, tối đi học hiện về trong anh bằng mùi đất cát ẩm mồ hôi thấm đẫm bộ đồ bảo hộ lao động mặc vào lớp sau một ngày quần quật trên công trường và đạp xe hàng chục cây số. Hết học kỳ I lớp 7, anh thi vượt cấp vào học kỳ II lớp 8, cùng thời gian lấy chứng chỉ A tiếng Anh.
Anh nỗ lực thật nhiều để bù lại tám năm gián đoạn. Nhưng cuộc sống không ngừng thử thách: một tai nạn lao động khiến bốn công nhân - trong đó có anh - rơi khỏi giàn giáo. Một người chết. Anh được đưa vào viện trong tình trạng giập lá lách, giập ruột, vỡ xương chậu... Tai nạn không tước đoạt mạng sống nhưng đã tước đoạt chân trời tưởng đang rộng mở của Thanh.
Cho đến lúc anh ném cây nạng, bắt đầu kiếm lại từng đồng bằng việc bỏ lẻ nước khoáng thì đã mất tám tháng. Anh quyết không bỏ đường học. Năm 2003, anh học lại lớp 8 rồi thi vượt cấp lên lớp 9.
Lấy chứng chỉ B, rồi C tiếng Anh. Cuộc sống khắc nghiệt vẫn quyết không buông tha anh, một lần nữa kéo giật anh khỏi ghế nhà trường, ném vào vòng xoáy miếng cơm manh áo. Tấm bằng tú tài mãi đến bảy năm sau- 2010, anh mới được nâng niu. Với người khác, đó là mảnh giấy chứng nhận chặng đường 12 năm đèn sách. Với Phạm Văn Thanh, nó ghi lại ký ức về 25 năm khắc nghiệt.
Nỗ lực được tưởng thưởng
Viết bình luận