Thuê giúp việc phải ký hợp đồng lao động: Không cụ thể, khó khả thi

Đây là quy định vốn được cho là để thực hiện cam kết của VN với nhóm lao động yếu thế, chủ yếu là phụ nữ. Nhưng xem xét kỹ, các chuyên gia cảnh báo nếu không có thêm nhiều thông tư hướng dẫn và sự vào cuộc tích cực của chính cơ quan chủ quản là Bộ Lao động - thương binh và xã hội, đây sẽ lại là một quy định trên giấy.

Tốt, nhưng khó khả thi

Quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người giúp việc nhà là cần thiết nhưng phải khả thi. Trong ảnh: một phụ nữ giúp việc nhà cho một gia đình ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: T.Đạm

Có con nhỏ 3 tuổi và rất bận bịu việc cơ quan, nên từ khi mới sinh con gái đầu lòng, gia đình chị Đ.N.H. ở Cầu Giấy, Hà Nội đã tìm thuê người giúp việc. Cô giúp việc hiện tại là người thứ hai đến làm việc tại gia đình chị H. và đang hưởng mức lương 3 triệu đồng/tháng, chưa tính chi phí ăn ở tại gia đình.

Mức lương này là theo thỏa thuận giữa hai bên và mỗi dịp cuối năm, người giúp việc của chị H. đều yêu cầu chị chi trả tháng lương thứ 13, mỗi lần về quê cũng yêu cầu phí tàu xe... “Nếu so với quy định trong nghị định thì chúng tôi đã chi trả cho người giúp việc mức lương cao hơn, có thưởng và tiền tàu xe về quê. Nhưng nếu bây giờ yêu cầu gia đình phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì chúng tôi phải giảm lương người giúp việc xuống, như vậy họ sẽ không bằng lòng” - chị H. băn khoăn.

Ngày 11-4, trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Ngô Ngọc Anh - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (tổ chức đã tích cực vận động cho quyền của lao động giúp việc nhà) - đánh giá còn rất nhiều điểm thiếu tính khả thi trong nghị định này. Theo bà Ngọc Anh, nghị định quy định mười ngày sau khi ký hợp đồng lao động với người giúp việc gia đình, chủ sử dụng lao động phải thông báo với UBND phường sở tại. “Tuy nhiên nghị định không quy định báo với ai, với chủ tịch phường, cán bộ phường, hành chính phường... Vậy chủ sử dụng lao động biết thông báo với ai?” - bà Ngọc Anh nói.

Một điểm rất quan trọng là khi lập hợp đồng lao động với người giúp việc gia đình thì lập theo mẫu nào, nghị định nói trên lại không đề cập. “Hợp đồng mẫu và hướng dẫn giám sát thực hiện nghị định, ví dụ như ai có quyền kiểm tra xem chủ nhà đã ký hợp đồng và chi tiền bảo hiểm xã hội cho người giúp việc chưa là yếu tố tối quan trọng để thực hiện nghị định nhưng hiện giờ chưa có. Vì vậy theo tôi, nghị định này không thể thực hiện từ ngày 25-4 như quy định được” - bà Ngọc Anh nói.

Cần thêm hướng dẫn thực hiện

Theo chị H., việc có hợp đồng lao động giữa chủ sử dụng và người giúp việc sẽ bảo vệ cả hai bên, nhưng nếu không có cơ quan giám sát sẽ rất khó thực hiện. Đồng quan điểm này, bà Ngọc Anh cho rằng cần có thêm nhiều thông tư hướng dẫn và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Lao động - thương binh và xã hội. “Bộ Lao động - thương binh và xã hội nên có mẫu hợp đồng cho loại hình lao động giúp việc nhà để gửi về tới phường xã. Từ phường xã sẽ phát đến các tổ dân phố và giao tổ dân phố giám sát, các gia đình có thuê người giúp việc mà không có hợp đồng lao động có thể bị chế tài thì mới có thể thực hiện được” - bà Ngọc Anh nói.

Theo bà Ngọc Anh, khi đi khảo sát ở Malaysia và Singapore, bà thấy lao động giúp việc ở nước bạn đã được đào tạo về kỹ năng giúp việc nhà và cả kỹ năng giao tiếp, chủ sử dụng lao động cũng được tập huấn về ứng xử với người giúp việc, và thỏa thuận giữa chủ nhà - người giúp việc luôn có bên thứ ba giám sát là các trung tâm môi giới lao động. “Văn bản của mình đầy đủ hết nhưng điều kiện thực hiện văn bản không có. Nếu không có đủ điều kiện thực hiện quy định này thì vấn đề người giúp việc chắc chắn vẫn phải xử lý theo thông lệ xã hội” - bà Ngọc Anh nhận định.

Hầu hết người lao động làm việc kiểu tự phát

Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng, cả nước hiện có tới 260.000 người lao động giúp việc nhà. Đến năm 2015, con số này có thể lên đến 400.000 người. Đây là một lực lượng lao động rất lớn nhưng hầu hết làm việc kiểu tự phát, không được đào tạo và có thể gặp rủi ro, nhất là trường hợp người lao động giúp việc dưới 18 tuổi hoặc không biết chữ.

 

* Ông Nguyễn Văn Sang (phó giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM):

Cần có kênh giám sát

Theo tôi, quy định tại nghị định nói trên có lợi cho người lao động nên sẽ được người lao động ủng hộ. Nếu người giúp việc nhà được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) thì họ sẽ gắn bó lâu dài với chủ nhà hơn. Tuy nhiên, nếu chủ nhà “trả một khoản tiền tương đương với BHXH, BHYT cho người lao động tự lo” như quy định tại nghị định thì người lao động phải tự đi đóng BHXH, tự quản lý sổ BHXH của mình. Tôi lo ngại nếu để người lao động tự lo thì sẽ khó thực hiện được BHXH cho họ vì họ nhận tiền rồi xài hết mà không đóng BHXH, không tham gia BHYT. Do vậy, cần phải có những quy định, hướng dẫn rõ ai sẽ giám sát việc người lao động có đóng BHXH, có tham gia BHYT hay không...

* Anh Trần Ngọc Lâm (ngụ P.Tân Thuận Đông, Q.7, TP.HCM):

Lo người giúp việc nhận tiền rồi xài hết

Lâu nay tôi chỉ mua BHYT cho người giúp việc theo định kỳ hằng năm. Người giúp việc đa số ít học, từ miền quê đến TP làm việc nên không biết BHXH là gì, tham gia BHXH sẽ được quyền lợi gì. Phần lớn người đi giúp việc là người nghèo, họ đi làm để dành dụm tiền chăm lo chuyện trước mắt cho gia đình nên nếu chủ nhà trả một khoản tiền cho họ tự lo BHXH, BHYT, tôi lo rằng họ sẽ chi dùng cho gia đình hết... Trong khi đó, chủ nhà đưa tiền cho họ, họ có đóng BHXH, tham gia BHYT hay không là tùy họ, chưa có quy định ai giám sát cả nên tôi lo việc này không khả thi.

* Chị T.T.C. (43 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế, giúp việc nhà ở Q.7, TP.HCM):

Tôi có biết gì đâu mà quan tâm

Tôi có biết gì đâu mà hỏi BHXH. Tôi vào đây chỉ biết làm việc trong nhà, hằng ngày nấu ăn, lau dọn nhà cửa, trông cháu vậy thôi! Lâu nay tôi cũng không quan tâm đến chuyện đó vì không biết nó là thứ gì cả. Tôi chỉ biết ở đây, lâu lâu được chủ nhà đưa đi khám bệnh, cuối năm được bao tiền về quê, cho thêm một tháng lương, quà cáp thế là mừng rồi. Tôi không rành về BHXH nhưng nếu có thì càng tốt. Quan trọng nhất với những người giúp việc nhà như tôi là được chủ nhà quan tâm, vui vẻ, không xem chúng tôi như kẻ ở là đủ rồi. Nếu hằng tháng ngoài khoản tiền lương còn được chủ trả thêm khoản tiền gọi là BHXH gì đó nữa thì tôi sẽ dồn vào tiền lương gửi về cho gia đình ở quê.

QUANG PHƯƠNG ghi

 

Được đăng vào

Viết bình luận