Thầy giáo “Trường Mười”

“Trường Mười” là tên gọi thân mật Trường Trung cấp nghề số 10 của Bộ Quốc phòng, có trụ sở chính đóng ởHà Nội. Đây là cơ sở đào tạo nghề chính quy bậc trung cấp cho bộ đội xuất ngũ, các đối tượng chính sách và nhu cầu học nghề của xã hội; bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề gắn với tạo việc làm, đào tạo lao động xuất khẩu, cung ứng lao động cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có nhu cầu sử dụng lao động hợp pháp... Những năm gần đây, trường Mười còn tham gia có hiệu quả các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH -HĐH và hưởng ứng phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Giờ học lý thuyết của học viên lớp cơ khí.

Tuần trước, tôi điện thoại đặt vấn đề với Đại tá Phạm Văn Tiu, Hiệu trưởng trường Mười: Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), tôi muốn đến đơn vị tìm hiểu về những người thầy giáo của nhà trường. Anh Tiu nhiệt tình hưởng ứng: “Vậy thì xuống ngay đi! Trường tôi vừa tổ chức đợt thi giáo viên giỏi cấp khoa và cấp trường, chọn được một đội tuyển 3 người đại diện cho tập thể giáo viên nhà trường đi tham gia hội thi giáo viên giỏi các trường dạy nghề toàn quân, tổ chức tại Đà Nẵng. Ngày 7-11 là đội lên đường “thi đấu” rồi…”.

Vậy thì tôi phải xuống ngay mới kịp! Đại tá, thạc sĩ Đặng Minh Quang, Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo, trực tiếp dẫn tôi xuống gặp các thầy giáo, cô giáo vừa vinh dự được chọn vào đội tuyển đi thi giáo viên giỏi toàn quân. Trên đường xuống các nhà xưởng, nơi các thầy cô trong đội tuyển đang khẩn trương ôn luyện để đi thi, tôi được anh Quang “bổ túc” vài đặc điểm của thầy giáo trường nghề: Bục giảng thường là bãi tập, nhà xưởng; trang phục thường là quần áo công tác hoặc bảo hộ lao động; lên lớp thì không phải “Cứ một giờ lại nghỉ mười phút” như tên một bài thơ nổi tiếng viết về nghề dạy học, mà đôi khi cứ phải thông tầm, thông ca mới đáp ứng được tính cơ động và “linh động” của chương trình…

Trường Mười hiện tại có 172 giáo viên, trực tiếp giảng dạy mỗi năm hơn 50 lớp trung cấp và khoảng 25 lớp sơ cấp thuộc 4 khoa: Điện-Điện tử, Cơ khí, Công nghệ ô tô, Xe máy công trình và hơn 50 lớp lái xe ô tô các hạng. Toàn trường có 15 thạc sĩ, còn lại cũng đều là những kỹ sư, cử nhân được đào tạo chính quy ở các trường công lập và đã có thâm niên đứng lớp nhiều năm. Có lẽ vì vậy mà 3 thành viên đội tuyển đi thi giáo viên giỏi toàn quân tỏ ra rất “ngại” khi phải kể về mình, bởi họ gần như là thế hệ giáo viên “đời chót” ở đây: Nguyễn Xuân Hải sinh năm 1978, Trương Thị Phương Nhung sinh năm 1982 và Phùng Quang Thành sinh năm 1986…

Trẻ, mới vào nghề được vài năm mà đã được chọn làm “cột cờ” trong bó đũa, thì càng phải tự hào và mạnh dạn chứ! Động viên, khích lệ mãi, cô giáo Trương Thị Phương Nhung mới… bật mí: Tốt nghiệp Khoa Tự động điều khiển tại Học viện Kỹ thuật quân sự năm 2009, Nhung được tuyển về trường Mười dạy điện công nghiệp. Nhiều người cứ nghĩ chắc vì một lý do nào đó mà Nhung phải làm một cái nghề có vẻ không “con gái” chút nào, nhưng đây lại chính là niềm đam mê của Nhung. Chả là trước đây, Nhung rất mê nghề giáo và đã thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm kỹ thuật. Ra trường, đã đi dạy một thời gian, sau đó có điều kiện đi học tiếp đại học thì phải đeo đuổi ngành kỹ thuật thôi. Tốt nghiệp, được về đây dạy đúng ngành nghề mình được đào tạo, thế là toại nguyện! Thực tình thì thời gian đầu cũng hơi… ngán, vì học viên ở đây đa số là bộ đội xuất ngũ, tuổi khá lớn lại “từng trải lính tráng”, trình độ thì không đều nhau… Nhưng rồi dần dần Nhung lại thấy… thích đối tượng học trò này. Họ từng được rèn luyện trong quân đội nên có kỷ luật khá nghiêm và ý thức học tập rất cao, vì họ hiểu được ý nghĩa thiết thực của việc học nghề đối với tương lai của họ. Chính vì… yêu học trò nên chỉ sau một năm giảng dạy, Nhung đã được bình bầu là “Lao động tiên tiến”. Thành tích mới đây nhất của Nhung là đạt Giáo viên giỏi cấp trường…

Thầy giáo Nguyễn Xuân Hải hướng dẫn thực hành công nghệ ô tô. Ảnh: Thành Nhung

Tôi nhắc lại với thầy giáo trẻ Nguyễn Xuân Hải mấy nét đặc điểm thầy giáo trường nghề mà Phó hiệu trưởng Đặng Minh Quang vừa trao đổi cùng tôi, nhã ý rằng đã tìm hiểu và cảm thông với “thiệt thòi” của những người thầy ở một loại hình đào tạo chuyên nghiệp trong quân đội. Không ngờ Nguyễn Xuân Hải… cải chính: “Những đặc điểm ấy thì giáo viên huấn luyện chiến thuật và đào tạo -bổ túc kỹ thuật chuyên ngành ở các đơn vị và các nhà trường quân đội cũng thế. Theo tôi, nét riêng của loại hình trường nghề quân đội, là đối tượng học viên không đồng đều và chính quy như ở các trường đào tạo sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp. Tất nhiên đa số học viên trường nghề là quân nhân xuất ngũ, đã có thời gian được rèn luyện trưởng thành trong quân đội. Nhưng do đã ra quân lâu ngày, bị nhiều yếu tố khách quan tác động; lại học chung khóa, chung lớp với nhiều đối tượng dân sự, nên việc duy trì nền nếp chính quy rất khó. Mặt khác, đặc điểm tuyển sinh và chiêu sinh ở đây cũng khá “mở” với nhiều lớp, nhiều khóa có những yêu cầu đào tạo khác nhau… cũng là trở ngại lớn cho công tác quản lý kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy. Điều đó khiến thầy giáo trường nghề “mệt” hơn ở các trường khác rất nhiều. Lại nữa: Những ngành nghề mà nhà trường đào tạo đều là những ngành nghề đang thịnh hành trong xã hội, tính ứng dụng rất cao và sát thực tế. Điều đó đòi hỏi người giáo viên phải thường xuyên cập nhật những kiến thức mới nhất về khoa học công nghệ. Mà thời đại bây giờ công nghệ thay đổi chóng mặt, không cập nhật là lạc hậu ngay. Thầy giáo trường nghề không thể yên tâm với vốn kiến thức kinh điển và kinh nghiệm lâu năm được…

Nhưng đó không phải là ấn tượng sâu sắc nhất của thầy giáo Nguyễn Xuân Hải. ấn tượng sâu sắc nhất về “trường nghề quân đội” của người thầy giáo trẻ này là việc anh được nhận về công tác ở đây mà không phải “chạy chọt, lo lót” gì. Mười hai năm trước đây, sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm kỹ thuật, anh về tỉnh nhà Hưng Yên làm thuê cho một công ty lắp ráp ô tô. Làm việc ở doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài có thu nhập tương đối khá, nhưng anh vẫn tiếc cái nghề sư phạm. Một lần, thầy giáo Tô Văn Thiểm là cán bộ phòng đào tạo của trường Mười về công tác ở công ty của Hải, nghe Hải tâm sự như thế, liền sốt sắng: Hay là cậu về trường Mười với tớ, trường đang rất cần giáo viên công nghệ ô tô có bằng cấp chính quy như cậu. Được lời như cởi tấm lòng, nhưng Hải vẫn băn khoăn về thủ tục và nhất là cái khoản quan hệ “đầu tiên”. Không ngờ nhà trường “trải thảm đỏ” thu hút nhân tài thực sự. Không phụ lòng tin của nhà trường, từ ngày về đây, năm nào thầy giáo Hải cũng đều đạt Lao động tiên tiến, nhiều năm là Giáo viên dạy giỏi các cấp...

Câu chuyện của thầy giáo Nguyễn Xuân Hải được thầy giáo Phùng Quang Thành phụ họa bằng trường hợp của chính mình. Thành sinh năm 1986, kém thầy Hải những 8 tuổi và thuộc thế hệ giáo viên trẻ nhất trường Mười hiện nay. Phùng Quang Thành quê ở Chương Mỹ, Hà Tây cũ, nguyên là chiến sĩ hóa học đóng quân tại Đà Nẵng, năm 2008 tốt nghiệp trung cấp cơ khí của trường Mười. Mặc dù tốt nghiệp loại giỏi, nhưng Thành vẫn lo không kiếm nổi việc làm trong thời buổi kinh tế khó khăn và nhiều tiêu cực xã hội. Không ngờ anh thuộc diện được nhà trường giữ lại làm trợ giảng, hoàn toàn “vô tư”, công khai, minh bạch... khiến anh sung sướng ngây ngất như nằm mơ giữa ban ngày...

Ở lại trường làm giáo viên trợ giảng được một năm thì Phùng Quang Thành thi đỗ khóa tại chức Khoa Sư phạm kỹ thuật của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chỉ vài tháng nữa là anh tốt nghiệp, với tấm bằng nghề “hot” ấy và trình độ tay nghề thực hành của mình, Phùng Quang Thành có thể kiếm được một cơ sở làm việc với mức lương cao gấp nhiều lần khoản thu nhập hiện tại chỉ xấp xỉ 3 triệu đồng mỗi tháng ở trường Mười, nhưng Thành khẳng định: Học xong đại học, chắc chắn tôi sẽ được nhà trường nâng lương. Hơn nữa, mình xuất phát điểm từ đây, nhờ mái trường này mà mình trưởng thành, thì sao nỡ bỏ đây mà đi tìm lợi lộc ở nơi khác?

Thầy giáo trường Mười là như thế đấy!

Được đăng vào

Viết bình luận