Tầm quan trọng của công tác bảo hộ lao động !

Con người là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp. Bất cứ dưới hình thái xã hội nào, sức lao động cũng là vốn quý nhất. Xã hội tồn tại và phát triển nhờ sức lao động của con người. Chính vì vậy, sức khoẻ và tính mạng của người lao động được bảo vệ tốt thì công việc sản xuất sẽ được ổn định, được duy trì thường xuyên, liên tục, tạo điều kiện cho việc hoàn thành kế hoạch, tăng năng xuất lao động và người lao động thoải mái, tự tin, yên tâm trong lao động sản xuất.

Công tác bảo hộ lao động có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đầu tư cho công tác bảo hộ lao động là khoản đầu tư đặc biệt hiệu quả và có ý nghĩa hết sức quan trọng và được xã hội đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2010 cả nước xảy ra 5.125 vụ tai nạn lao động, làm chết 604 người, bị thương 1.260 người, thiệt hại về tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Để công tác bảo hộ lao động thật sự có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, cần giải quyết đồng bộ một số vấn đề như sau:

1.      Giải quyết tốt 04 khó khăn doanh nghiệp gặp phải khi thực hiện công tác bảo hộ lao động:

Khi triển khai công tác bảo hộ lao động, các doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) gặp khó khăn, thực hiện theo phong trào, hình thức và thiếu chất lượng do các nguyên nhân:

-         Yếu về nhận thức: công tác bảo hộ lao động được coi như là một hoạt động do nhà nước quy định bắt buộc phải thực hiện chứ không phải là hoạt động mang lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp. Vì lý do này, nhiều doanh nghiệp chủ quan, thiếu quan tâm đúng mức hoặc tổ chức thực hiện bảo hộ lao động như là một cách để đối phó với hoạt động thanh kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.

-         Yếu về kiến thức, nghiệp vụ: công tác bảo hộ lao động ở nhiều đơn vị được triển khai manh mún, không mang tính chất là hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp, nội dung và biện pháp thực hiện xuất phát trên quan điểm phong trào nhiều hơn tính khoa học và thực tiễn cụ thể tại cơ sở. Việc xây dựng và thực hiện một kế hoạch tổng thể về công tác bảo hộ lao động phù hợp đặc thù của mỗi cơ sở rất khó khăn, nhiều hoạt động không phù hợp và không mang lại lợi ích thiết thực. Ví dụ: doanh nghiệp dệt may, giày da nhưng lại triển khai tuyên truyền, huấn luyện cho CNV về công tác “an toàn bảo hộ lao động trong xây dựng” theo một đợt cao điểm phát động phong trào… Nhân sự thực hiện công tác bảo hộ lao động thiếu kiến thức chuyên môn, không được đào tạo bài bản là thực trạng chung của nhiều doanh nghiệp hiện nay.

-         Thiếu vốn đầu tư: nhiều doanh nghiệp ý thức được vai trò quan trọng của công tác bảo hộ lao động nhưng họ buộc phải chấp nhận mạo hiểm với tình trạng mất an toàn do không có kinh phí để đầu tư mua sắm trang thiết bị đảm bảo kỹ thuật an toàn, đầu tư mua sắm trang thiết bị bảo hộ đầy đủ và phù hợp. Nhiều doanh nghiệp xây dựng cho mình một kế hoạch bảo hộ lao động rất bài bản, phù hợp nhưng chỉ nằm trên giấy cũng vì nguyên nhân thiếu kinh phí để triển khai.

-         Ý thức của Người lao động về công tác bảo hộ lao động có chất lượng rất thấp. Phần lớn người lao động chưa nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình về ATVSLĐ, kiến thức và ý thức thực hiện thiếu, nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra do sai xót hết sức sơ đẳng của người lao động. Trong nhiều trường hợp, chỉ cần trang bị kiến thức tối thiểu cho người lao động cũng có thể tránh được tai họa xảy ra. Việc huấn luyện tác phong công nghiệp, ý thức thực hiện nội quy, kỷ luật lao động, an toàn bảo hộ lao động của đội ngũ công nhân phải gắn với khâu đào tạo nghề, thậm chí ngay từ giai đoạn giáo dục phổ thông thì mới cải thiện được tình hình và chất lượng lao động.

2.      Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo hộ lao động:

-         Xây dựng cơ quan chuyên trách về công tác bảo hộ lao động có đủ thẩm quyền và điều kiện hoạt động. Với cơ cấu chỉ là một bộ phận nhỏ của cơ quan LĐ-TBXH hiện nay sẽ rất khó để thực hiện đúng và đầy đủ yêu cầu quản lý nhà nước đối với lĩnh vực quan trọng này. Việc lập ra cơ quan chuyên trách có quy mô và tổ chức lớn hơn, có thể nằm ngoài cơ quan LĐ-TBXH hoặc một bộ phận trực thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân (giống như cảnh sát PCCC, cảnh sát môi trường)  sẽ là điều kiện rất thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về bảo hộ lao động có hiệu lực và hiệu quả.

-         Hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về BHLĐ: thể chế hóa các quy định pháp luật hiện nay thành Luật và kèm theo các văn bản hướng dẫn thi hành, quy định chi tiết các nội dung công tác bảo hộ lao động làm cơ sở cho công tác bảo hộ lao động được triển khai trong thực tiễn.

-         Có nhiều chính sách và biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động. Các chương trình quốc gia, các Quỹ quốc gia, chính sách hỗ trợ vốn, ưu đãi đầu tư, chính sách ưu đãi về thuế và các nghĩa vụ nhà nước khác… là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện tốt hơn công tác bảo hộ lao động.

-         Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo hộ lao động rộng khắp, làm cho ý thức chấp hành và thực hiện công tác bảo hộ lao động của từng doanh nghiệp, từng người lao động được nâng cao. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật BHLĐ thường xuyên và có chất lượng, tránh tình trạng thực hiện theo phong trào, theo định kỳ chiếu lệ. Cần quy định và thực hiện kiểm tra đột xuất để tăng cường tính hiệu quả, giảm tình trạng đối phó của các doanh nghiệp khi tiếp đoàn thanh tra.

3.      Đầu tư đúng mức cho phát triển khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động:

-         Cùng với các biện pháp quản lý, các giải pháp khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động phù hợp với giá cả hợp lý sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để ứng dụng, triển khai.

-         Ngoài việc nghiên cứu các giải pháp chung, các phương tiện bảo hộ lao động phổ thông thì việc cho ra đời các giải pháp chuyên biệt, phương tiện đặc chủng có chất lượng sẽ góp phần quan trọng vào chất lượng thực hiện công tác bảo hộ lao động.

-         Phát triển các thiết bị máy móc sản xuất phù hợp điều kiện lao động ở Việt Nam, giảm thiểu các công đoạn thủ công cũng có ý nghĩa quan trọng không chỉ nâng cao năng suất lao động mà còn nâng cao tính an toàn.

-         Nhà nước cần có chính sách phát triển khoa học bảo hộ lao động đồng bộ từ khâu nghiên cứu đến ứng dụng triển khai. Tạo điều kiện làm việc thuận lợi, có chế độ thu hút nhân tài và chế độ chính sách phù hợp cho những người làm công tác nghiên cứu khoa học bảo hộ lao động là cơ sở tiền đề để có các công trình khoa học bảo hộ lao động có giá trị, có tính ứng dụng cao phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế hội nhập.

-         Xây dựng chính sách phát triển đội ngũ nhân sự làm công tác khoa học bảo hộ lao động phải xứng tầm với yêu cầu nhiệm vụ quan trọng trong tình hình hiện nay.

4.      Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể quần chúng, các hội nghề nghiệp và các tổ chức phi chính phủ khác hoạt động tại Việt Nam về lĩnh vực bảo hộ lao động:

-         Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng: các doanh nghiệp có chi bộ Đảng thường thực hiện tốt các chế độ chính sách cho người lao động nói chung và công tác bảo hộ lao động nói riêng. Sự lãnh đạo kịp thời của Đảng, công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp tốt, sâu rộng sẽ tạo ra cơ sở vững chắc cho việc thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động.

-         Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn: Tổ chức công đoàn phải thực sự làm tròn vai trò người đại diện quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của gười lao động, trong đó nội dung đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động phải coi là nội dung then chốt. Đồng thời, phải xác định Công đoàn là bạn đồng hành, là một bộ phận tham gia xây dựng phát triển doanh nghiệp chứ không phải là bộ phận đối trọng với chủ doanh nghiệp.

-         Đoàn thanh niên nếu có sự định hướng tốt sẽ trở thành bộ phận xung kích, góp phần rất quan trọng vào việc thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động tại doanh nghiệp.

-         Các đoàn thể quần chúng khác, các Hội nghề nghiệp với đặc điểm hoạt động của mình sẽ là kênh thông tin, nguồn lực thực hiện công tác bảo hộ lao động được sâu rộng.

-         Công tác bảo hộ lao động được nhiều tổ chức phi chính phủ quan tâm và hoạt động mạnh mẽ. Việc tranh thủ tốt sự giúp đỡ cả về vật chất lẫn kinh nghiệm của họ là nguồn lực quan trọng để nâng cao chất lượng thực hiện công tác bảo hộ lao động trong bối cảnh hiện nay của chúng ta.

5.       Xã hội hóa công tác bảo hộ lao động:

-         Thực tế tại Việt Nam cho thấy, bất cứ hoạt động nào đựơc xã hội hóa tốt sẽ tạo ra hiệu quả rất lớn. Công tác bảo hộ lao động là công tác mang tính chất xã hội cao, đòi hỏi sự tham gia rộng khắp và tích cực của nhiều bộ phận trong xã hội.

-         Xã hội hóa công tác bảo hộ lao động cần thu hút sự tham gia tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các nghiệp đoàn, có chính sách ưu đãi và thu hút khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hộ lao động… làm cho công tác thực hiện bảo hộ lao động trở thành ý thức xã hội, thành chuẩn mực xã hội hình thành trong từng doanh nghiệp, từng người lao động.

-         Hình thành các định chế ngoài cơ quan nhà nước để thúc đẩy, giám sát quá trình thực hiện công tác bảo hộ lao động tại doanh nghiệp, ví dụ: các diễn đàn, các tổ chức chứng nhận, các hội… Thiết lập các kênh thông tin tuyên truyền, phản ánh là hoạt động có ý nghĩa rất thiết thực.

 

Việt Nam đã gia nhập WTO, các doanh nghiệp của chúng ta nếu muốn thắng lợi trong các cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế, thậm chí không muốn thua ngay trên sân nhà, thì buộc phải hòa mình vào biển lớn, vào “thế giới phẳng” của nền kinh tế thị trường hội nhập. Để giành thắng lợi trong cuộc chiến khốc liệt này, ngoài việc phải thực hiện các chuẩn mực quốc tế (trong đó có chuẩn mực về trách nhiệm xã hội, về tiêu chuẩn “sản phẩm sạch”…) thì điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải đầu tư cho nhân tố trung tâm, nguồn lực trọng yếu nhất đó là con người, mà công tác bảo hộ lao động trở thành hoạt động không thể tách rời./.

 

Được đăng vào

Viết bình luận