Tai nạn máy ép gạch: Thiệt thân vì làm ẩu

Nhiều vụ tai nạn cụt tay, chân, thậm chí mất mạng vì máy làm gạch đã xảy ra, nhưng người lao động vẫn không có các biện pháp bảo hộ lao động. Vì vậy, tai nạn xảy ra ngày càng nhiều.

Cụt tay, chân vì máy ép gạch

Bệnh nhân Giáp Văn Thắng đang điều trị tại khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn, Bệnh viện Việt Đức.

Ngày 31.3, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân Giáp Văn Thắng (25 tuổi), ở xã Thượng Lâm, Việt Yên, Bắc Giang trong tình trạng hôn mê sâu, mất máu cấp, một chân bị giập nát đang còn kẹt nguyên trong máy ép gạch. Sau gần 7 giờ tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ buộc phải cắt chi của bệnh nhân. Tuy nhiên, do tai nạn quá nặng, anh Thắng phải tiếp tục phẫu thuật để làm tầng sinh môn nhân tạo. Hiện anh đang nằm điều trị tại khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn.

Anh Thắng cho biết: “Đến 4 giờ chiều 31.3, tôi và 6 anh em khác ai cũng thấm mệt, nên muốn làm nhanh để còn về. Làm vội vàng nên lúc ấn đất vào máy không được, tôi dùng chân để đạp xuống, không ngờ bị máy cuốn cả chân vào trong”.

Xuất ngũ trở về, anh Thắng được một chủ lò gạch thuê làm công, mỗi ngày 100 nghìn đồng. Công việc vất vả, nhiều anh em đã bị tai nạn trong quá trình làm việc nhưng chưa hề được hướng dẫn về an toàn lao động hay trang bị bảo hộ lao động. Cũng theo anh Thắng, trên địa bàn xã Thượng Lâm đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động khi sản xuất gạch thủ công. Nạn nhân hầu hết đều bị giập nát tay, chân buộc phải cắt bỏ dẫn tới tàn phế.

Bệnh nhân Đỗ Văn Nghĩa, 19 tuổi (xã Cầu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hoá) đang nằm điều trị tại khoa Chấn thương chỉnh hình 2, Bệnh viện Việt Đức cũng vì bị máy ép gạch nghiền nát một tay. Nhập viện ngày 3.4, sau mấy ngày điều trị, sức khoẻ Nghĩa đã khá hơn. Nghĩa cho biết: “Vì gia đình nghèo, nên khi sắp xây nhà, chị em tôi thuê máy về tự làm gạch để bớt chi phí. Trước đây, tôi đã đi làm gạch thuê, nghĩ đơn giản, không ngờ vì bất cẩn mà để cả cánh tay bị cuốn vào máy”.

Tai nạn sẽ còn tăng

Hiện, các chương trình tuyên truyền về an toàn lao động mới chỉ thực hiện ở những nhóm lao động lớn. Chính vì thế, người lao động cần chủ động trang bị kiến thức và bảo hộ lao động, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. 

Đó không chỉ là cảnh báo của các chuyên gia về lĩnh vực an toàn lao động, mà là nhận định chung của nhiều bác sĩ đã tiếp xúc và điều trị cho các bệnh nhân bị tai nạn lao động tại Bệnh viện Việt Đức.

Bác sĩ Phạm Văn Trung, khoa Chấn thương chỉnh hình 2 (Bệnh viện Việt Đức) cho biết: “Mỗi năm chúng tôi cấp cứu hơn 1.000 vụ tai nạn lao động, chủ yếu do ngã giàn giáo, máy ép nhựa, cắt catton… Riêng tai nạn do máy làm gạch là hơn 50 ca. Tai nạn dạng này thường để lại những thương tích rất nặng nề cả về tinh thần và thể chất cho bệnh nhân và gia đình họ”. Không ít nạn nhân sau đó sống trong mặc cảm, mất sức lao động, là gánh nặng cho gia đình.

Lý giải về nguyên nhân, bác sĩ Lưu Danh Huy, khoa Chấn thương chỉnh hình 2, khẳng định: “Đó là do thái độ chủ quan, thiếu ý thức của người lao động và cả chủ sử dụng lao động. Hầu hết các bệnh nhân ở độ tuổi thanh niên từ 20-25 nên thường có tâm lý cậy khoẻ nên làm ẩu”.

Điều đáng nói nữa là hiện nay, đa số các vụ tai nạn lao động do máy làm gạch thường xảy ra ở những vùng khó khăn, nên việc cấp cứu ban đầu thường chưa được đảm bảo. Chính vì thế bác sĩ Lưu Danh Huy cho rằng: “Ngành y tế địa phương cần tập huấn cách sơ cứu ban đầu cho chủ các lò gạch để tránh việc khi đưa đi cấp cứu quá vội vàng dẫn đến bệnh tình lại nặng hơn”. Bác sĩ Huy cũng lưu ý, khi bị tai nạn gia đình cần liên lạc ngay với các cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ sơ cứu đúng cách và đưa bệnh nhân nhập viện kịp thời.

Được đăng vào

Viết bình luận