Thợ làng chủ quan
Nghề mộc ở xã Liên Hà (Đan Phượng, Hà Nội) hiện đang tạo việc làm cho hàng ngàn lao động trên địa bàn xã và các vùng lân cận. Là làng nghề năng động và chịu khó tìm kiếm thị trường, sản phẩm gỗ ở Liên Hà được tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành, trong đó có cả các tỉnh phía Nam, mang lại phồn thịnh cho làng.
Tuy nhiên, do phát triển “nóng”, làng nghề đang thiếu mặt bằng cho hoạt động sản xuất. Ông Nguyễn Văn Thược - Phó ban Quản lý làng nghề Liên Hà cho biết, dù đã có điểm công nghiệp làng nghề và di dời khoảng hơn 50% số hộ sản xuất ra khỏi làng, nhưng mặt bằng làm việc ở đây vẫn thiếu trầm trọng. Người dân phải tiết kiệm từng mét vuông đất để làm nghề.
Mặt bằng thiếu, thợ làm nghề lại chưa có ý thức để sắp xếp nơi làm việc gọn gàng nên việc va quệt dễ xảy ra. Đặc biệt là một số thợ trẻ làm ở vị trí nguy hiểm như xẻ gỗ còn rất chủ quan khi thao tác. Anh Vũ Văn H - một thợ lâu năm cho biết: “Theo kinh nghiệm, thợ xẻ vận hành máy cưa đĩa phải đứng chếch về bên trái 15 độ so với đĩa cưa để phòng tình huống thanh gỗ bắn vào người. Thợ cũng nên đeo yếm hoặc áo dày để bảo vệ vùng ngực... Thế nhưng, nhiều thợ trẻ không để ý hoặc có thói quen cẩu thả, bừa bãi nên thường làm đầu trần, áo mỏng, tay trần khi xẻ gỗ”.
Nói về tủ thuốc, thiết bị y tế để sơ cứu tại chỗ khi có tai nạn, anh H lắc đầu: “Tôi cũng không để ý lắm, thường các cơ sở nhỏ thì không có”.
Thói quen cẩu thả
Sự cẩu thả cũng thể hiện ở nhiều nhóm thợ quê khi xây các công trình xây dựng nhỏ ở thôn, xã. Anh Bùi Tuấn Việt- trưởng nhóm thợ xây ở khu vực Phú Cường - Tản Hồng (Ba Vì, Hà Nội) cho hay: “Thợ làm việc xong thường để thiết bị như bay, trát, cuốc, ròng rọc vận chuyển gạch vung vãi. Khi đi lại dễ giẫm hay vấp phải, nhiều khi gây thương tích. Khi leo lên cao, nhiều người cũng ngại đeo dây bảo hiểm. Nhắc mãi mà nhiều người quen cách làm việc cẩu thả, không sửa được”- anh Việt bày tỏ.
Theo Nghị định số 45/2013, với nơi làm việc có các yếu tố nguy hiểm, có hại có nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm: Kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại; đề ra các biện pháp loại trừ, giảm thiểu các mối nguy hiểm, có hại, cải thiện điều kiện lao động...
|
Nói về việc thay đổi thói quen làm việc, anh Việt cũng chia sẻ: “Nhóm thợ chúng tôi làm tự phát, bản thân tôi cũng ít tiếp cận với việc làm thế nào để hạn chế tai nạn, chỉ nhắc nhở nhau chung chung, tránh những tai nạn đã từng xảy ra thôi”. Cũng theo anh Việt, dù bản thân anh rất ý thức về việc sau khi làm việc phải cọ sạch, cất gọn gàng các dụng cụ, nhưng nhiều người cho rằng: “Mai lại làm, cọ rửa, cất làm gì cho mất công…”.
Anh Vũ Văn Tuân đang làm thợ sơn tự do cho một công trình ở An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) thì nêu thực tế: “Muốn gọn gàng thì phải có chỗ để, có giá để treo lên cao… nhưng những nơi ở dã chiến như bọn em lấy đâu ra chỗ. Tủ thuốc y tế, thực hành sơ cứu càng không bao giờ có. Em cũng mong được tập huấn, được chủ tạo điều kiện về chỗ ăn ở, làm việc gọn gàng, có tủ thuốc… Nhưng chắc chẳng chủ nào quan tâm đâu”.
Viết bình luận