Rủi ro từ máy gặt đập liên hợp

Máy gặt đập liên hợp hiện được sử dụng khá phổ biến ở ĐBSCL. Tuy nhiên, vì không được hướng dẫn sử dụng máy an toàn, nhiều nông dân bị tai nạn lao động dẫn đến tử vong hoặc phải mang thương tật suốt đời.

 
Chết người vì máy gặt đập

Giữa tháng 8 vừa qua, người dân xã Hiệp Xương (huyện Phú Tân, An Giang) không khỏi bàng hoàng trước cái chết thương tâm của một thanh niên trẻ, vì máy gặt đập liên hợp (GĐLH). Nạn nhân là anh Nguyễn Văn T.E (26 tuổi, ngụ ấp Hưng Tân, xã Phú Hưng, huyện Phú Tân, An Giang), chuyên đi cắt lúa thuê. Nguyên nhân vụ tai nạn là do trong quá trình điều khiển máy GĐLH, anh T.E đã để máy lao thẳng xuống rạch và bị máy đè lên người...
 
Sử dụng máy GĐLH không qua đào tạo bài bản dễ gây tai nạn thương tâm.
Sử dụng máy GĐLH không qua đào tạo bài bản dễ gây tai nạn thương tâm.

Trước đó không lâu, cũng tại An Giang, chỉ trong vòng 2 ngày đã xảy ra 2 vụ tai nạn do sử dụng máy GĐLH khiến 2 nông dân ở huyện An Phú và huyện Thoại Sơn bị máy “nuốt”. Nguyên nhân là do người điều khiển máy GĐLH lùi về phía sau nhưng không quan sát xung quanh nên đã để xảy ra tai nạn.

Kỹ sư Võ Hùng Anh – Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho biết, trong quá trình sử dụng máy GĐLH, do máy cồng kềnh, người lái không chú ý được phần không gian phía sau. Trong khi đó, nhiều nông dân do tiếc của, thường đi theo sau máy GĐLH để mót lúa sót. Khi người lái điều khiển máy lùi về phía sau, bà con không chú ý nên bị máy cán qua người. “Hầu hết những trường hợp bị máy GĐLH cán, đè lên người đều để lại thương tật nặng” - ông Hùng Anh chia sẻ.

Cũng theo ông Võ Hùng Anh, một trường hợp nữa thường dẫn đến tai nạn lao động trong sử dụng máy nông nghiệp là khi bà con tranh thủ làm việc lúc trời chập tối. Thiếu ánh sáng, lại thêm tinh thần mệt mỏi sau một ngày dài làm việc, nhiều nông dân đã bất cẩn trong điều khiển máy móc, dẫn tới tai nạn.

Nông dân còn chủ quan

Theo thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH), lao động trong lĩnh vực nông nghiệp là một trong những ngành có nguy cơ tai nạn lao động cao, chỉ sau ngành xây dựng, hóa chất và khai thác mỏ. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp, bà con nông dân vẫn còn thờ ơ với an toàn lao động khi điều khiển máy móc, thiết bị lao động.

Theo thống kê sơ bộ, ĐBSCL hiện có khoảng 9.000 máy GĐLH, diện tích lúa thu hoạch bằng máy GĐLH ở ĐBSCL hiện đạt hơn 60%, có tỉnh đạt 100% như An Giang, Đồng Tháp … Tuy nhiên, khoảng 10.000 người đang lái máy GĐLH hiện nay chủ yếu chỉ dựa vào kinh nghiệm thông thường.


Trao đổi với NTNN, PGS-TS Mai Thành Phụng – Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, máy GĐLH hiện đã được “phủ sóng” gần như toàn bộ vùng ĐBSCL. Các máy nông nghiệp khác như máy sấy, máy tuốt hạt… cũng đã được nông dân đưa vào sử dụng rất nhiều. Tuy nhiên, việc điều khiển, sử dụng các loại máy móc này hầu hết dựa vào kinh nghiệm của bản thân, hoặc do bà con truyền miệng, chỉ bảo nhau. Trong khi đó, các loại máy móc nông nghiệp hiện đại có cấu tạo phức tạp, nhiều bộ phận dễ tiếp xúc với người lao động lại không được bảo hộ kỹ lưỡng, do đó, dễ dẫn tới tai nạn khi hoạt động.

Một cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh An Giang cũng cho rằng, để hạn chế tai nạn lao động đáng tiếc cho bà con, tỉnh này đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn thực hiện an toàn cơ giới hóa trong nông nghiệp, tuy nhiên, các lớp học thường rất ít học viên. Hoặc ngược lại, nhiều học viên tham gia tập huấn nhưng khi trở về địa phương vẫn chủ quan, không sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc. “Đó là chưa kể nhiều trường hợp, nông dân có khuyết tật thân thể, không đủ điều kiện sức khỏe vẫn tham gia lái máy GĐLH gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh” - vị này cho biết thêm.
Được đăng vào

Viết bình luận