Phụ nữ tiếp xúc với thuốc sâu, rủi ro sinh sản cao

Khi đàn ông đi làm xa, phụ nữ đảm nhiệm mọi việc nhà nông nặng nhọc, tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại nên chịu gánh nặng về bệnh tật, đặc biệt là sức khỏe sinh sản.

 

Khi phụ nữ đơn độc trên cánh đồng

Chồng lên Hà Nội làm thợ xây, một năm chỉ đảo qua nhà năm ba bận nên mọi việc đồng áng, chị Phạm Minh Hậu (xã Hải Vân, Hải Hậu, Nam Định) phải cáng đáng hết. “Nhà tôi có 10 sào ruộng. Những lúc cấy gặt tôi thường phải thuê thêm người. Còn phun thuốc BVTV thì phải tự mình làm. Tuy rằng có đeo khẩu trang, găng tay, đi ủng nhưng hôm nào đi phun thuốc về tôi cũng bị xây xẩm mặt mày, nôn và rối loạn tiêu hóa” – chị Hậu cho biết.

Phụ nữ đảm đương công việc đồng áng và phải tiếp xúc với nhiều hoá chất BVTV.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình, môi trường trong phát triển (CGFED), mỗi năm toàn xã Hải Vân sử dụng gần 1.200kg thuốc trừ sâu, 80% do phụ nữ phun, thậm chí có cả những phụ nữ chuyên đi phun thuốc sâu thuê. 66,7% chị em bị chóng mặt, 74,2% bị đau đầu, 84,6% bị mờ mắt, 87,5% bị vã mồ hôi, 79% bị choáng, 63,6% buồn nôn, hơn 87% mất ngủ, hơn 66% khó thở... Cho dù độc hại nhưng chỉ có hơn 70% chị em có bảo hộ như khẩu trang, găng, ủng…

Một nghiên cứu khác tại vùng trồng chè xã Bắc Sơn (Phổ Yên, Thái Nguyên) của CGFED cho thấy: Người dân ít sử dụng bảo hộ lao động, chủ yếu là dùng khẩu trang. Người phun thường mặc áo mưa (80%), đeo khẩu trang (80%), đi ủng (50%), đeo kính (rất ít). Đặc biệt, liều lượng pha thuốc sâu thường cao hơn 30 - 50% so với hướng dẫn trên bao bì, vì người dân cho rằng “phải liều lượng cao thì sâu mới chết”...

Hiện nay, nhiều địa phương xảy ra tình trạng “già hóa nông thôn, phụ nữ hóa nông dân” do đàn ông di cư tìm việc làm. Điều này càng đặt gánh nặng về lao động và rủi ro bệnh tật lên vai phụ nữ và trẻ em.

“Một phụ nữ không được chăm sóc sức khoẻ tốt không chỉ ảnh hưởng đến khả năng lao động của chính bản thân họ mà còn ảnh hưởng đến những đứa trẻ, nguồn lực lao động trong tương lai” – bà Phạm Kim Ngọc - Giám đốc CGFED cho biết.

Nhắm mắt đưa chân

Theo TS Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, thuốc BVTV có độc tính có khả năng gây ung thư, biến đổi gen, nhiễm độc cơ quan sinh sản, nhiễm độc hệ miễn dịch, phá vỡ tuyến nội tiết, ảnh hưởng tới hệ thần kinh và quá trình phát triển.

Mạng lưới hành động về thuốc BVTV châu Á- Thái Bình Dương PAN-AP cũng chỉ ra rằng, riêng với phụ nữ, nếu bị phơi nhiễm thuốc BVTV, chị em có thể gặp các vấn đề về sinh sản, bao gồm cả dị tật thai nhi, vô sinh, tự sảy thai/sảy thai, thai chết lưu, lạc nội mạc tử cung. Rất nhiều loại thuốc BVTV có thể gây tác động đến nhau thai, phôi thai, gây tổn thương trong thời kỳ phát triển não, nội tiết, cơ quan sinh sản và để lại hậu quả vĩnh viễn.

“Bảo vệ phụ nữ - cứu lấy tương lai của chúng ta” là khẩu hiệu mà Tuần lễ không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ ngày 3-10.12 do Mạng lưới hành động về thuốc BVTV châu Á- Thái Bình Dương PAN-AP phát động.

Thậm chí, độc tố từ thuốc BVTV có thể qua sữa mẹ, gây rủi ro cho sự phát triển của trẻ. Những trẻ vị thành niên tham gia vào phun thuốc BVTV hoặc tiếp xúc với thuốc BVTV có thể gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, đặc biệt là sự phát triển thể chất và tinh thần.

Các nghiên cứu của CGFED cũng cho thấy, hơn 90% người dân biết về sự độc hại của thuốc BVTV. Đa số phụ nữ đều cho rằng, một trong những nguyên nhân mình bị ốm yếu, mệt mỏi là do thuốc BVTV độc hại. Tuy nhiên, do không có các biện pháp thay thế, không được hướng dẫn cụ thể, càng không thể nhờ ai làm hộ nên họ vẫn phải đánh liều với sức khỏe của mình.

Vì vậy, việc tuyên truyền, hướng dẫn phụ nữ sử dụng thuốc BVTV đúng cách được các nhà khoa học coi như là hành động “cứu tương lai”, nhưng rất tiếc lại không được các địa phương chú trọng.

Được đăng vào

Viết bình luận