Ông Nguyễn Xuân Phúc " có cải cách tốt, luật pháp tốt nhưng cán bộ không tốt thì rất cản trở sản xuất".
Không để giấy phép con cản trở sản xuất kinh doanh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, ngoài việc cải cách để có thể chế tốt thì cán bộ thực thi cũng phải tận tâm, trách nhiệm. Bởi những vụ việc gần đây cho thấy, có cải cách tốt, luật pháp tốt mà cán bộ không tốt thì rất cản trở sản xuất.
Theo Thủ tướng, có cải cách tốt, luật pháp tốt nhưng cán bộ không tốt thì rất cản trở sản xuất.
Chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các bộ, ngành để giải quyết các vướng mắc trong thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sáng 25/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, ngoài việc cải cách để có thể chế tốt thì cán bộ thực thi cũng phải tận tâm, trách nhiệm. Bởi những vụ việc gần đây cho thấy, có cải cách tốt, luật pháp tốt mà cán bộ không tốt thì rất cản trở sản xuất.
Đổi mới, bảo vệ quyền kinh doanh
Theo Thủ tướng, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp được Quốc hội thông qua là bước tiến bộ lớn trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, nhân dân rất ủng hộ và mong chờ. Do đó, cần tập trung xử lý những bất cập, với tinh thần cải cách, đổi mới, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, giải phóng sức sản xuất, ủng hộ và bảo vệ quyền kinh doanh. Không để có các giấy phép con, tạo thêm các điều kiện, gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh. Thủ tướng cũng đề nghị gắn việc tổ chức triển khai thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Theo quy định điều kiện chuyển tiếp của Luật Đầu tư, sau ngày 1/7/2016, tất cả các điều kiện kinh doanh do bộ, ngành và địa phương ban hành không đúng thẩm quyền sẽ hết hiệu lực. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Cao Lục cho hay, việc rà soát các quy định và giấy phép này hiện triển khai rất chậm. Sự chậm trễ này có nguy cơ tạo ra “khoảng trống pháp lý” sau ngày 1/7/2016. Vì thế, VPCP đề nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khẩn trương ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện, đồng thời tăng cường rà soát, kiến nghị bãi bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh không phù hợp hoặc các quy định đã được ban hành trái thẩm quyền.
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho hay, hiện mới chỉ có 8 trong số 18 bộ có báo cáo rà soát về các văn bản quy định điều kiện kinh doanh. “Phải mất cả tháng trời chúng tôi mới đặt được lịch làm việc với các bộ để rà lại, song khi đến làm việc thì thứ trưởng các bộ cáo bận vào phút chót, chỉ cử cán bộ cấp vụ làm việc nên không thống nhất được”, ông Đông nói. Do đó, để không tạo ra khoảng trống pháp lý, ông Đông kiến nghị các bộ phải khẩn trương tập hợp các điều kiện kinh doanh để công khai trên mạng cho doanh nghiệp được biết. Đồng thời tiến hành sửa nhiều các nghị định theo tinh thần rút gọn để có hiệu lực cùng với hai luật kể trên. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ phải tập hợp điều kiện kinh doanh. Trong tháng 4 phải có báo cáo đầy đủ điều kiện kinh doanh của mỗi bộ.
Không để cửa quyền gây cản trở sản xuất
Nhấn mạnh thủ tục trong lĩnh vực đất đai, môi trường còn nhiều vướng mắc nhất, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho ý kiến. Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển thừa nhận, ngay trong bộ của mình, các tổng cục vẫn còn gắn quyền hành của mình vào trong văn bản pháp luật.
“Tuyệt đối tránh chuyện quyền anh, quyền tôi bởi cửa quyền cản trở sản xuất ghê lắm” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
“Tôi rất buồn. Đất đai thì có lót tay, tiêu cực mới có sổ đỏ. Tạo điều kiện cho dân vẫn còn mờ nhạt lắm, quá nhiều thủ tục rườm rà. Qua lần này phải tháo gỡ vướng mắc và quản lý rất chặt về môi trường, đất đai công; đây là vấn đề rất đau đầu của đất nước hiện nay”, Thủ tướng nói và cho rằng, thủ tục phiền phức nhất và lỗ hổng quản lý lớn nhất chính là môi trường mà chẳng ai chịu trách nhiệm.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng khẳng định việc chuẩn bị thi hành hai luật này phải trên tinh thần không cầu toàn, cái gì làm được phải bắt tay ngay cho kịp. Thủ tướng đã đồng ý ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành hai luật trên theo quy trình rút gọn và giao cho Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với VPCP và các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai xây dựng nghị định này. “Làm sao để thủ tục ít mà trách nhiệm cho rõ, không để tình trạng cuối cùng không ai chịu trách nhiệm. Tuyệt đối tránh chuyện quyền anh, quyền tôi bởi cửa quyền cản trở sản xuất ghê lắm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng lưu ý, ngoài việc có thể chế tốt thì người thực thi còn phải tận tâm, trách nhiệm. Bởi không loại trừ chủ trương lớn, đúng đắn nhưng nảy sinh cửa quyền khi thực hiện. Cho nên cần tăng cường vai trò của tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện. “Những vụ việc gần đây cho thấy có cải cách tốt, luật pháp tốt mà cán bộ không tốt thì rất cản trở sản xuất”, Thủ tướng nói.
Viết bình luận