Nỗi đau thương tâm của việc xem nhẹ an toàn lao động

                                                               Hiện trường vụ tai nạn lao động khiến 4 công nhân thiệt mạng ngày 9.1 tại công trình xây dựng cầu suối Quanh (xã Trung Sơn, huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá)

Hiện trường vụ tai nạn lao động khiến 4 công nhân thiệt mạng ngày 9.1 tại công trình xây dựng cầu suối Quanh (xã Trung Sơn, huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá)

Đến chiều 12.1, nạn nhân cuối cùng trong số 4 công nhân tử nạn tại công trình xây dựng cầu suối Quanh (xã Trung Sơn, huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá) được gia đình, bà con, các tổ chức đoàn thể tiễn đưa về nơi an nghỉ cuối cùng. Vụ tai nạn lao động gây đau đớn tột cùng cho gia đình người tử nạn cũng là bài học đau đớn đối với nhà thầu và các cơ quan chức năng về an toàn lao động... Có mặt trực tiếp tại công trường này, PV Báo Lao Động nhận thấy thay vào cảnh hối hả cho kịp tiến độ mấy ngày trước, giờ là không khí im lìm vì bị phong toả.

Hối hả để rồi… lặng im trong đau đớn

Công trình xây dựng cầu suối Quanh nằm ở nơi thâm sơn cùng cốc tại bản Tà Pản, xã Trung Sơn, huyện Quan Hoá, Thanh Hoá. Đi từ TP.Thanh Hoá đến trung tâm huyện vùng cao này gần 200km. Từ trung tâm huyện vào đến công trường hơn 50km nữa. Vào được đến đây phải mất gần 3 tiếng vì đường đồi núi, nhiều đoạn đang thi công bụi như bão sa mạc, phải đi vòng sang đất Hoà Bình rồi mới trở lại vào bản. Ở nơi thâm sơn cùng cốc này đang hiển hiện công trình thuỷ điện hàng đầu cả nước: Thuỷ điện Trung Sơn. Xe tải, máy ủi ầm ầm hoạt động suốt ngày đêm. Công trình cầu suối Quanh không thuộc dự án thuỷ điện nhưng lại phụ thuộc. Nếu không thi công xong trước tháng 4.2016 khi thuỷ điện tích nước, rất khó có thể thi công tiếp được.

Đây là công trình gặp nhiều trắc trở vì thiếu vốn. Năm 2010, UBND tỉnh Thanh Hoá ra quyết định đầu tư. Đơn vị thi công là Cty CP Đạt Phương có địa chỉ tại 62 Trần Thái Tông, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội. Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bêtông cốt thép, chiều dài toàn cầu 257,2m. Tổng mức đầu tư công trình là hơn 182 tỉ đồng, được triển khai thi công từ tháng 6.2010. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên từ tháng 6.2010 đến tháng 3.2015, nhà thầu mới thi công được 2 trụ chính. Để đẩy nhanh tiến độ, từ tháng 4.2015 đến nay, chủ đầu tư là Sở GTVT Thanh Hoá bố trí được nguồn vốn, nhà thầu tập trung huy động lao động, các trang thiết bị thi công tiên tiến để đẩy nhanh tiến độ thi công. Tính đến tháng 12.2015, nhờ bố trí cho công nhân thi công 3 ca liên tục, nhà thầu thi công được khoảng 80% khối lượng công trình...

 

Theo ông Ngân Văn Én (bản Tà Pản, xã Trung Sơn), mấy tháng nay công trình thi công hối hả cả 3 ca, đèn điện sáng rực suốt đêm. Ông Phạm Kim Liêm - thành viên Ban Điều hành dự án - nói, lúc cao điểm có tới 100 cán bộ, công nhân tham gia công trường. Tai nạn xảy ra tại mố cầu M1 phía bản Tà Pản. Trước đó vào ngày 3.1, nhà thầu bắt đầu lắp dựng hệ đà giáo phục vụ thi công rầm đoạn đúc trên đà giáo mố M1, hoàn thành lắp dựng ngày 8.1. Tai nạn đau lòng xảy ra lúc 18h ngày 9.1 khi nhà thầu tiến hành thi công chất tải để thực hiện thử tải tại mố M1 theo các bước quy định của hồ sơ thiết kế. Khi chất tải đạt khoảng 60% tải trọng (282/470 tấn theo thiết kế) thì xảy ra sự cố. 4 người bao gồm cán bộ kỹ thuật và công nhân bị rơi xuống từ độ cao hàng chục mét cùng hàng trăm tấn bêtông thử tải và hàng chục tấn rầm, giàn giáo sắt. 3 người tử vong tại chỗ, một người nguy kịch và ra đi ngay sau đó tại Bệnh viện Đa khoa Mai Châu (Hoà Bình).

“Đang chuẩn bị ăn cơm thì nghe tiếng động lớn lắm, đèn điện mất rồi nghe thấy mọi người la hét phía công trường” - ông Ngân Văn Én kể. Nhà ông Én cách công trình xảy ra tai nạn khoảng 200m, phía trên công trường. Theo ông Én, trước đó, có cơn mưa rất to. “May mà lúc đó đang giao ca chứ không thì có thể nhiều người bị tai nạn nữa” - ông Én lắc đầu. Thời điểm đó, công nhân đã xuống, chuẩn bị giao ca cho buổi tối, chỉ có các cán bộ kỹ thuật kiểm tra.

Bài học đau đớn về an toàn lao động

Trực tiếp có mặt tại công trường mới thấy hết sự phức tạp của công trình xây dựng cầu trên miền núi cao. Từ chân trụ cầu đến mặt cầu cao tới 100m. Muốn đi từ chân trụ cầu lên mố cầu phải đi vòng khoảng 2km qua 3 ngọn núi mới lên được. Từ chân trụ cầu nhìn lên, công trình như đang thi công… trên trời. Khi hệ đà giáo sụp, hàng trăm tấn bêtông thử tải đổ xuống, hàng chục tấn sắt giàn giáo cũng đổ theo trôi tuột xuống phía dưới. Cơ quan chức năng đang niêm phong hiện trường phục vụ điều tra nên sắt thép, bêtông ngổn ngang, chồng chất. Đi qua công trình này dù có bạo gan đến mấy cũng sởn da gà vì nguy hiểm lơ lửng trên đầu. Rõ ràng công tác đảm bảo an toàn lao động của nhà thầu đã không được quan tâm đúng mức. “Sau vụ việc này, lãnh đạo Cty đã chỉ đạo rà soát lại toàn diện an toàn lao động trên các công trường, rút kinh nghiệm toàn Cty” - ông Trịnh Xuân Lộc - cán bộ Cty CP Đạt Phương - cho hay.

Dường như mất người mới lo an toàn lao động? Điều oái oăm này từng xảy ra ở nhiều công trường xây dựng, nhưng rồi tai nạn lao động vẫn xảy ra. 4 cán bộ kỹ thuật, công nhân còn rất trẻ. Người lớn tuổi nhất cũng chỉ 36 tuổi, hai cán bộ kỹ thuật mới có 24 tuổi. Mất mát, đau thương là quá lớn. Theo ông Mai Xuân Liêm - Giám đốc Sở GTVT Thanh Hoá - nguyên nhân ban đầu được xác định là do chất lượng hệ đà giáo phục vụ thi công không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thiết kế. Nguyên nhân cụ thể đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Trách nhiệm các đơn vị thuộc Bộ GTVT đến đâu?

Cty CP Đạt Phương như bị tê liệt vì tai nạn đau thương này. Họ đang cố đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án, giờ bị đình chỉ, công nhân nản lòng, cán bộ lo lắng… Trách nhiệm của Cty này đã rõ. Vậy nhưng lỗi, trách nhiệm liệu chỉ thuộc về mình nhà thầu thi công? Một công trình thi công có rất nhiều công đoạn, quy trình chặt chẽ và nhiều đơn vị tham gia. Ở công trình này, các đơn vị tham gia đều có tên tuổi và đều thuộc Bộ GTVT. Cụ thể, chủ đầu tư là Sở GTVT Thanh Hoá; nhà thầu khảo sát lập dự án đầu tư là TCty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) thuộc Bộ GTVT; nhà thầu khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật cũng là Cty thuộc Bộ GTVT; nhà thầu khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công là Cty CP Tư vấn thiết kế cầu đường - TCty Tư vấn thiết kế, Bộ GTVT; nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình cũng là một đơn vị của Bộ GTVT là Trung tâm Tư vấn thiết kế và chuyển giao công nghệ xây dựng công trình GTVT - Viện Khoa học và công nghệ GTVT, 
Bộ GTVT.

Vậy các đơn vị thuộc Bộ GTVT ở đâu khi để xảy ra tai nạn đau lòng này? Trên đường đi vào hiện trường, rất nhiều cầu cạn, cầu vượt suối đang được thi công. Và thực tế, dù vừa chứng kiến cái chết thương tâm của 4 người trẻ tuổi nhưng tại các công trường này, việc đảm bảo an toàn lao động cũng chẳng được quan tâm. Công nhân vẫn vắt vẻo trên không làm việc mà chẳng mang bất kỳ thiết bị bảo hộ lao động nào. Có trường hợp, công nhân ngồi vào gầu múc rồi máy múc đưa lên cao để hàn mố cầu… Người lao động có thể liều do thiếu hiểu biết, nhưng đơn vị thi công, đơn vị giám sát với rất nhiều kỹ sư, họ đã ở đâu? Chính quyền địa phương cũng đã ở đâu? Chúng tôi đã rất cố gắng liên hệ làm việc với lãnh đạo UBND huyện Quan Hoá về vụ việc đau lòng trên nhưng câu trả lời nhận được từ ông Chánh Văn phòng UBND Quan Hoá là: “Tất cả lãnh đạo huyện đang học nghị quyết, không tiếp nhà báo được” (?!).

Đây là vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng. Theo khoản 2, Điều 46, Nghị định số 46/2015, vụ tai nạn này là sự cố cấp II (chết từ 1 đến 5 người). Theo quy định, UBND tỉnh Thanh Hoá là đơn vị chủ trì khắc phục sự cố. Tuy nhiên, do đây là công trình có tính chất kỹ thuật phức tạp nên UBND tỉnh Thanh Hoá đã đề nghị Bộ GTVT tổ chức công tác giám định nguyên nhân sự số và đề xuất giải pháp khắc phục. Sự việc lại trở về với Bộ GTVT.

 

Ông Lê Trọng Sang - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN: Sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn lao động nghiêm trọng vừa xảy ra tại huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa) khiến 4 công nhân (CN) thiệt mạng do sập giàn giáo, Tổng LĐLĐVN chỉ đạo các cấp CĐ tỉnh Thanh Hóa tổ chức thăm hỏi, chia buồn, hỗ trợ gia đình của 4 CN gặp nạn… Đặc biệt, các cấp CĐ tỉnh Thanh Hóa cần phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành xác minh, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc. Nếu phát hiện nguyên nhân gây ra vụ tai nạn xuất phát từ việc lãnh đạo Cty CP Đạt Phương không thực hiện trang bị bảo hộ tối thiểu cho NLĐ, không giám sát chặt chẽ quy trình đảm bảo an toàn thi công, tổ chức CĐ sẽ có đề xuất với cơ quan chức năng xử lý nghiêm chủ doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Để đảm bảo ATVSLĐ tại các công trình xây dựng, cần phải có sự giám sát của nhiều cơ quan, tổ chức như xây dựng, LĐTBXH, chính quyền địa phương, tổ chức CĐ; đặc biệt người sử dụng LĐ, chủ đầu tư cần nâng cao nhận thức về vấn đề đảm bảo ATVSLĐ trong khu vực công trường xây dựng. H.A ghi

Được đăng vào

Viết bình luận