Những hoạt động vì quyền và lợi ích của NLĐ tại Cty TNHH MTV caosu Chư Păh

Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh là doanh nghiệp Nhà Nước thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, hiện đang quản lý trên 14.000 ha cao su với gần 3.700 lao động (lao động là người DTTS chiếm 70%) với phương châm cây cao su được trồng đến đâu tuyển dụng lao động tại chỗ vào làm công nhân đến đó đặc biệt là người dân tộc thiểu số tại chỗ nhằm để thay đổi nhận thức, giúp họ thấy được cây cao su là cây công nghiệp xóa đói giảm nghèo…

Tập trung bảo vệ quyền lợi của NLĐ

Xác định bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động là chức năng trọng tâm của tổ chức Công đoàn nên từ khi thành lập Công đoàn Công ty Cao su Chư Păh nay là Công đoàn Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh đã luôn thực hiện tốt vai trò là tiếng nói của người lao động, là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động trong tất cả các hoạt động, trên nhiều lĩnh vực nơi Công ty đứng chân. Hiện Công đoàn Công ty có 11 tổ chức Công đoàn cở sở trải dài trên 3 huyện và vùng ven thành phố Pleiku, với 70% đoàn viên là người dân tộc thiểu số.

Từ năm 2011-2014, cùng với những hoạt động của tổ chức Công đoàn, Công ty đã tổ chức những đợt khám sức khỏe và tuyển dụng 895 lao động vào làm công nhân trong đó 554 lao động là người dân tộc thiểu số. Sau khi được tuyển dụng, người lao động được đào tạo tay nghề cạo mủ và được sắp sếp công việc, từ năm 2011 - 2014 Công ty đã tổ chức mở 32 lớp đào tạo mới và đào tạo lại với số lượng 3.034 lao động trong đó 2.624 là người dân tộc thiểu số; có vườn cây, có công việc, có sản phẩm người lao động đã từng ngày gắn bó với công việc, xem Công ty là nhà, vườn cây là nương rẫy của họ.

Tiền lương và thu nhập là một trong những điều kiện quan trọng giúp người lao động yên tâm công tác, gắn bó với vườn cây. Việc xây dựng quy chế lương, thang lương, bảng lương, định mức công việc đều lấy người lao động làm trọng tâm và đã được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phê duyệt. Trong những năm qua tiền lương và thu nhập của người lao động trong Công ty đều cao hơn so với mặt chung trên địa bàn huyện, năm 2011 thu nhập bình quân là 8,783 triệu đồng/người/tháng, năm 2012 thu nhập bình quân là 6,730 triệu đồng /người/tháng, đến giai đoạn 2013-  2014 do sự suy thoái kinh tế toàn cầu làm cho giá cao su giảm mạnh nhưng Công ty vẫn cố gắng đảm bảo thu nhập cho người lao động năm 2013 là 5,330 triệu đồng/người/tháng và năm 2014 là 4,820 triệu đồng/người/tháng.

Với vai trò là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động Công đoàn Công ty luôn thực hiện tốt kiểm tra giám sát việc thực hiện chế độ chính sách mà người lao động được hưởng, từ năm 2011 đến nay Công ty đã đóng BHXH, BHYT, BHTN là 86,422 tỷ đồng. Căn cứ kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, Công ty lập kế hoạch mua và trang cấp BHLĐ cho người lao động, các mặt hàng đều đảm bảo theo tiêu chuẩn và chất lượng của Tập đoàn với tổng kinh phí tính từ năm 2011 đến nay là 14,470 tỷ đồng; bên cạnh đó hàng năm Công đoàn Công ty trích quỹ phúc lợi cho CB.CNV vay không tính lãi để phát triển kinh tế phụ tăng thêm thu nhập cải thiện đời sống, mức vay từ 4-5 triệu đồng/người giúp người lao động làm kinh tế, đầu tư trồng cà phê, tiêu, mỳ chăn nuôi hay kinh doanh hàng quán… tạo thêm thu nhập từ 60-80 triệu đồng/năm, có hộ có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm, nhiều hộ gia đình người người dân tộc thiểu số đã mua sắm các vật dụng sinh hoạt như xe công nông, máy tưới nước, ti vi, tủ lạnh… Công ty trao tặng 12 căn nhà tình nghĩa cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng đường bê tông, đường giao thông liên thôn liên xã cho người lao động thuận tiện đi lại với tổng giá trị trên 30 triệu đồng…

CBCĐ bám sát NLĐ

Để làm được những công việc như thế bên cạnh những thuận lợi như: Đ/c Phó Tổng Giám đốc Công ty là Chủ tịch Công đoàn, lực lượng đoàn viên công đoàn trẻ đầy nhiệt huyết, cán bộ công đoàn thường xuyên có mặt tại vườn cây, tại đơn vị để nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người lao động… thì Công đoàn Công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn như: Tình hình thời tiết Tây Nguyên diễn biến bất ổn, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn phức tạp, giá mủ giảm mạnh làm ảnh hưởng tư tưởng người lao động, 70% đoàn viên là người người dân tộc thiểu số nhận thức còn hạn chế cùng với những tập tục còn lạc hậu gây nhiều khó khăn trong việc vận động, tuyên truyền giáo dục; một số tổ chức công đoàn cơ sở nằm ở vùng sâu vùng xa nên việc triển khai tổ chức các hoạt động còn chậm… dẫn tới nhiều hoạt động chưa hoàn thiện, chưa phát huy hết tác dụng, tỷ lệ người lao động tham gia chưa cao.

Là một đoàn viên công đoàn đang công tác tại Phòng Tổ chức Lao động và Đào tạo của Công ty, tôi có một số ý kiến để góp phần cho những hoạt động của tổ chức công đoàn ngày càng hiệu quả hơn đó là:

- Tập trung đẩy mạnh các giải pháp nâng cao năng suất, cải thiện vườn cây, đảm bảo đời sống cho người lao động không chỉ là mục tiêu hướng tới mà còn là kim chỉ nam tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.

- Vị trí Công đoàn cần phải được khẳng định trong nhiều hoạt động của Công ty như Công tác quản lý, tuyển dụng, công tác đào tạo, khen thưởng kỹ luật… thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện các chế độ tiền lương, độc hại và ăn ca, trang cấp bảo hộ lao động, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động cụ thể như:

- Đối với chế độ tiền lương: hàng tháng cử cán bộ công đoàn giám sát việc cấp phát tiền lương đến tận tay người lao động đồng thời tiếp xúc với người lao động để nắm bắt những nguyện vọng, những phản ánh của họ.

- Thực hiện chế độ độc hại: việc cấp phát và sử dụng những mặt hàng trong chế độ độc hại phải đúng quy định và phù hợp với công việc của người lao động.

- Thực hiện chế độ ăn giữa ca: kiểm tra chất lượng từng bữa ăn, chứng chận an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ sở phụ vụ và vệ sinh nhà ăn cho người lao động.

- Trang cấp Bảo hộ lao động: việc giám sát trang cấp bảo hộ lao động cho người lao đồng từ khâu kiểm tra chất lượng các mặt hàng, cấp phát cho đến việc hướng dẫn sử dụng các mặt hàng bảo hộ lao động đúng chủng loại và đúng quy định.  

- Khám sức khỏe định kỳ: việc khám sức khỏe định kỳ phải được tổ chức định kỳ hàng năm, cán bộ công đoàn phải theo dõi giám sát việc khám sức khỏe đúng quy định, đúng kỹ thuật, giám sát số lượng người khám và người được khám.

- Những hoạt động vì lợi ích chính đáng của người lao động phải thường xuyên đổi mới, phong phú và phù hợp với điều kiện thực tế do đó công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cần chú trọng đến thực tế, cần phải đào tạo nhiều cán bộ công đoàn là người dân tộc thiểu số vì họ là những biết và hiểu rõ những tấm tư nguyện vọng của người lao động.

Muốn cho những hoạt động vì quyền, lợi ích của người lao động ngày càng hiệu quả thì phải lấy người lao động trọng tâm, mục tiêu. Đảm bảo tốt những quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động là đảm bảo cho Công ty tồn tại; người công nhân hăng hái lao động, gắn bó vườn cây cũng chính là điều kiện cho Công ty phát triển. Để duy trì mối quan hệ qua lại này luôn bền vững và ngày càng phát triển thì mỗi cán bộ công đoàn Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh phải luôn xác định rằng muốn Công ty mạnh thì công nhân phải giầu, muốn Công ty phát triển thì quyền và lợi ích chính đáng của người động phải được đảm bảo.

Được đăng vào

Viết bình luận