Nhọc nhằn nghề khai thác đá
Tại mỏ đá Lủng Cháng, xã Cường Lợi (Na Rì, Bắc Kạn) giữa trưa hè gắt nắng, tiếng máy nổ, máy khoan ầm ĩ, khói bụi mù mịt, nhưng những người thợ khai thác đá vẫn miệt mài làm việc không nghỉ. Họ bất chấp bầu không khí ngột ngạt, căng thẳng, độc hại, thậm chí nguy hiểm tính mạng... vì cuộc sống mưu sinh.
Anh Hoàng Việt Phương (45 tuổi, quê xã Hưng Đạo, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) đưa chúng tôi đi thăm nơi ăn ở, sinh hoạt của người lao động. Đến dãy nhà dựng cột thép, lợp tôn, xung quanh quây bằng những tấm ni-lông; bên trong là một dãy phản được kê làm chỗ ngủ cho công nhân, chúng tôi thực sự ái ngại về cuộc sống tạm bợ của những người thợ đá.
Anh Phương cho biết: “Trước đây, tôi vốn là công nhân khai thác đá, sau do sức khỏe yếu nên được bố trí làm ở bộ phận hậu cần chuyên lo bữa ăn cho công nhân. Lát nữa ra ngoài bãi đá, chỗ anh em chúng tôi làm việc, các chú sẽ thấy hết nỗi cực nhọc của cái nghề này. Nhưng vất vả vẫn còn hơn là không có việc. Vì có việc thì mới có thu nhập để lo cuộc sống gia đình!”.
Công nhân mỏ đá Lủng Cháng làm việc trong bụi mù mịt. |
Từ nơi ở của công nhân đến bãi đá cách nhau vài trăm mét nhưng nghe rõ tiếng máy nổ, máy khoan kêu nhức đầu. Tại bãi đá, những công nhân cả nam và nữ đang oằn mình bốc những tảng đá to lên máy nghiền. Bất chấp cái nắng nóng, lưng áo đẫm mồ hôi, tất cả vẫn miệt mài, khẩn trương với công việc. Bỗng có tiếng hô to từ trên vách đá vọng xuống: “Chú ý, đá lở”. Ngay lập tức, mọi người nhanh chóng dừng công việc và tản ra xa khu vực nguy hiểm.
Chị Nông Thị Thuận (48 tuổi) đưa chiếc khăn lau mồ hôi trên khuôn mặt khắc khổ, tâm sự: “Cực lắm các chú à! Gia đình tôi có hai cháu đang độ tuổi học hành. Mỗi khi xong vụ, tôi lại đến mỏ đá này làm việc để kiếm thêm chút tiền lo cho các con ăn học. Tất cả cũng vì con cái cả thôi, chứ mấy ai muốn gắn bó với cái nghề cực nhọc này!".
Được biết, những công nhân ở đây làm việc từ 8 đến 10 tiếng/ngày. Ngoài tiền ăn 15.000 đồng/người/ngày thì họ được chủ trả 80.000-100.000 đồng/người/ngày tùy theo năng suất lao động. Nếu ai bị ốm mệt, phải nghỉ việc thì chủ chỉ nuôi ăn, nhưng cũng không được nghỉ quá lâu. Công việc vất vả, nguy hiểm như vậy nhưng trang thiết bị bảo hộ lao động lại thiếu thốn, chủ yếu là tự trang bị, thêm vào đó điều kiện sinh hoạt tối thiểu như nước tắm cũng không có. Ai muốn tắm thì phải đi cả quãng đường dài vài ba trăm mét mới tới suối.
Như để minh chứng thêm cho sự vất vả của nghề khai thác đá, anh Nông Văn Trang (22 tuổi) chỉ tay lên vách đá cao ước chừng hơn 30m, nơi ba nam công nhân đang khoan đá và nói: “Nghề khai thác đá vất vả lắm, một tháng làm việc cật lực cũng chỉ được vài ba triệu đồng, người nào đứng máy khoan cũng chỉ được thêm hai, ba trăm nghìn đồng một tháng. Cánh thanh niên chưa vợ như chúng em nếu tối đến rủ nhau ra thị trấn làm vài cốc bia, điếu thuốc, coi như đi toi một ngày công”.
Trên vách đá thẳng đứng, một công nhân một tay cầm sợi dây thừng được buộc từ gốc cây trên đỉnh thả xuống làm dây an toàn, tay còn lại đang điều khiển máy khoan đá. Còn phía dưới, những người công nhân đập đá, đứng máy nghiền, sàng đá thì lại lo đá có thể văng ra bất cứ lúc nào. Chứng kiến cảnh làm việc của những công nhân khai thác đá ở đây, chúng tôi thấy ái ngại cho số phận và cầu mong mọi sự bình an luôn đến với họ. Như đọc được suy nghĩ của chúng tôi, anh Hoàng Văn Sơn, một công nhân đứng máy, giải thích: “Chúng tôi là người lao động làm thuê có được học, trang bị tí kiến thức nào về an toàn lao động đâu, chủ yếu vẫn là người cũ dạy người mới. Ngày mới vào nghề này, tôi được các đàn anh đi trước nhắc nhở trong quá trình làm việc phải luôn cẩn trọng, không được phép lơ là, bởi chỉ một chút lơ là thôi thì tai nạn có thể xảy ra ngay. Biết là thế nhưng nhiều khi mệt quá cũng xao nhãng đi, may là chưa có sự cố gì lớn xảy ra. Thôi thì mặc kệ cho số phận vậy!”.
Được biết, hầu hết những người công nhân làm việc ở mỏ đá này là người địa phương khác đến. Mỗi người một hoàn cảnh riêng, nhưng điểm chung của họ là đều khó khăn về kinh tế. Họ chỉ có ý định làm công việc này một thời gian để kiếm chút tiền trang trải cuộc sống, chứ chẳng ai muốn gắn bó với cái nghề cực nhọc và nguy hiểm này. Vì sự an toàn tính mạng của người lao động, rất mong chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm điều kiện làm việc của công nhân nơi đây. Có như vậy, chúng ta mới hạn chế được những vụ tai nạn thương tâm xảy ra.
Viết bình luận