Nhân rộng mô hình xử lý rác tự quản

Trong khi công tác thu gom, xử lý rác thải ở nông thôn đang bị thả nổi, thì tại một số địa phương lại có những kinh nghiệm rất hay trong công tác thu gom rác, làm sạch môi trường cho cộng đồng.

 
Người dân xã Thái Ninh (Phú Thọ) tự thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật đem về lò đốt.

Dân tự xây lò đốt vỏ thuốc bảo vệ thực vật

Trước đây, người dân xã Thái Ninh, huyện Thanh Ba (Phú Thọ) sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa, chè và cây trồng thường vứt bừa bãi vỏ bao ra bờ ruộng, đồi chè, mương nước, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Từ tháng 10 - 2007, Đảng uỷ xã đã yêu cầu trạm y tế xây dựng thí điểm một lò đốt tiêu huỷ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại khu dân cư số 3. Từ mô hình thí điểm hiệu quả này, xã quyết định triển khai ra diện rộng và đã được đông đảo người dân trong xã đồng tình. Bà con đã đóng tiền để xây dựng 14 lò ở 7 khu dân cư trong xã.

Theo Chi cục bảo vệ thực vật Phú Thọ, việc đốt rác, vỏ bao bì thuốc trừ sâu bằng lò thủ công tuy chưa thể xử lý triệt để, song đã làm thay đổi tích cực ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ môi trường nước. Thay bằng việc vứt vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở bất cứ đâu, nay bà con đã thu gom lại và đưa đến nơi quy định.

Lập đội thu gom rác thải

Với 5.800 dân, cư trú trên 9 thôn (kể cả thị trấn), trước đây, người dân ở thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) thường có thói quen đổ, vứt rác bừa bãi khắp các đường làng, ngõ xóm, gây mất vệ sinh nghiêm trọng.

Một trong những biện pháp có thể làm ngay để thu gom rác thải ở nông thôn là các cấp chính quyền ở địa phương cần thành lập tổ dịch vụ thu gom rác thải; nhân rộng mô hình xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển chất thải ở nông thôn. 

Ông Trần Xuân Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội

Để khắc phục tình trạng này, đầu những năm 2000, UBND thị trấn đã cho thành lập đội thu gom rác và giao cho hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn quản lý, điều hành. Kể từ đó đến này, qua gần 9 năm hoạt động, việc thu gom rác đã đi vào nề nếp với 7 công nhân, chia làm 3 tổ, mỗi tổ phụ trách 3 thôn. hợp tác xã hợp đồng với các tổ thu gom rác và trả lương cho họ bằng nguồn thu phí vệ sinh. Ban đầu thị trấn có hỗ trợ mỗi thôn các dụng cụ cần thiết như xe, chổi, xẻng…

Ông Trần Đức Minh - Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp cho biết: Cứ cách một ngày, vào 7 giờ sáng và 16 giờ chiều, đội vệ sinh bắt đầu đi thu gom rác ở từng ngõ ngách, từng hộ gia đình, đem đổ ra bãi rác quy định. Kể từ khi có đội vệ sinh môi trường, thị trấn đã trở nên sạch đẹp và phong quang hơn, hết hẳn mùi hôi và cảnh tượng đổ rác bừa bãi.

Ở xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất (Hà Nội) từ nhiều năm nay người dân trong xã đã xây dựng và thực hiện nghiêm túc Quy ước về vệ sinh môi trường. Đến năm 2009, xã còn tổ chức phân loại rác thải sinh hoạt ngay từ đầu nguồn, cấp cho mỗi hộ gia đình 2 thùng nhựa đựng rác phân hủy và không phân hủy.

Sáng chủ nhật hàng tuần, toàn xã tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường thu gom rác về điểm tập kết. Hiện xã đã thành lập được 13 tổ thu gom rác với 29 lao động được cấp bảo hộ lao động và trang bị xe chở rác.

Ông Khuất Duy Hải - Chủ tịch UBND xã Đại Đồng chia sẻ: Rác thải tràn lan nguyên nhân một phần cũng do ý thức người dân còn kém. Do đó, xã đã tập trung vào đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon và các vật liệu gây hại cho môi trường.

Được đăng vào

Viết bình luận