Ngành chức năng nói gì sau vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng?

Ngày 20.12, ông Nguyễn Xuân Tiến - Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cùng ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh, cùng hơn 30 cán bộ Công an tỉnh, đã trực tiếp đến hiện trường để điều tra nguyên nhân vụ sập đường hầm thủy điện Đạ Dâng làm 12 công nhân bị mắc kẹt.

Sau khi thị sát hiện trường, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn - GĐ Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Khi để xảy ra sự cố như thế là có vấn đề rồi. Nếu chủ dự án và đơn vị thi công làm thật chặt chẽ thì sao có thể xảy ra như thế được. Nếu thiết kế, kết cấu đúng và việc thi công đúng thì tôi nghĩ không có vấn đề gì”.

sau vu sap ham thuy dien da dang: nganh chuc nang noi gi? - 1

Cơ quan chức năng vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ sập hầm.

Tổng quan Dự án thủy điện Đạ Dâng

Dự án thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo trên địa bàn xã Lát, huyện Lạc Dương và xã Phi Tô, huyện Lâm Hà, trước đây do Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 làm chủ đầu tư, có tổng công suất lắp máy 23MW. Trong đó nhà máy thủy điện Đạ Dâng, huyện Lạc Dương công suất 14MW, Nhà máy thủy điện Đạ Chomo, huyện Lâm Hà công suất 9MW với tổng vốn đầu tư dự án khoảng 650 tỷ đồng.

Dự án đã khởi công vào tháng 12/2003, nhưng sau đó chủ đầu tư không tiếp tục thực hiện, do không giải quyết được vấn đề tài chính. Đến tháng 3/2006, dự án chuyển đổi chủ đầu tư sang Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Long Hội (Hà Nội).

Tháng 4/2008 dự án được Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh quy mô, UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 19/8/2009, với tiến độ thực hiện dự án từ 2009 đến 2011.

Tuy nhiên, đến đầu năm 2014 dự án vẫn chưa hoàn thành. Đến tháng 3/2014, UBND tỉnh Lâm Đồng cấp thay đổi Giấy chứng nhận đầu tư lần thứ nhất, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án hoàn thành đưa vào phát điện trong quý IV/2014.

Dự án thực hiện theo hình thức chủ đầu tư trực tiếp quan lý. Việc tư vấn thiết kế do Viện Thiết kế Thủy lợi - Thủy điện Nam Ninh (Trung Quốc) thực hiện. Công ty CP tư vấn Nhật Thăng - VNT6 (Hà Nội) là đơn vị giám sát.

Về đơn vị thi công, hạng mục nhà máy là do Công ty CP Sông Đà 10.6 thực hiện. Riêng với hạng mục hầm dẫn nước, trước đây do Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô triển khai, sau đó chuyển sang Công ty CP Đầu tư Xây dựng ngầm Vinaconex (thay đơn vị thi công, đào hầm).

Hiện nay hầm dẫn nước do Công ty CP Sông Đà 505 thi công. Sáng 16/12 vừa qua, khi các công nhân của công ty này đang vào ca làm việc thì đất đá bất ngờ đổ sập khiến 12 công nhân mắc kẹt.

“Sẽ mổ xẻ, làm rõ nguyên nhân vụ sập hầm”

Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Lê Quang Hùng cho biết, hiện Bộ Xây dựng đã thu thập đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến công trình trên, đồng thời đã đình chỉ thi công.

“Chắc chắn phải mổ xẻ, làm rõ nguyên nhân sự cố, đánh giá hiện trạng chất lượng… Mặt khác, phải xem xét cụ thể từ thiết bị kỹ thuật đến thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ địa chất, đơn vị thi công, từ đào hầm đến làm vỏ hầm, việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan, đơn vị liên quan. Phân tích nguyên nhân từ đâu, lỗi do ai là vấn đề hệ trọng để xử lý trách nhiệm”, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết.

sau vu sap ham thuy dien da dang: nganh chuc nang noi gi? - 2

Cơ quan chức năng đo đạc hiện trường.

Thiếu tướng Bùi Văn Sơn - GĐ Công an tỉnh Lâm Đồng, sau khi cùng đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra sơ bộ đường hầm thủy điện Đạ Dâng, cũng cho biết: “Sau khi kiểm tra, đoàn ghi nhận tại hiện trường hầm thủy điện Đạ Dâng, ở phần mái hầm có nhiều đoạn chắp vá, nhiều dầm sắt bị hoen rỉ và xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn có nước rỉ từ trên xuống...”.

Ông Sơn cho biết thêm: “Gần đây, tỉnh Lâm Đồng thực hiện nhiều dự án thủy điện, các cơ quan chức năng đã có nhiều hình thức nhắc nhở, kiểm tra, đôn đốc để phòng ngừa các sự cố. Đây là trường hợp không thực hiện theo quy trình”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lâm Đồng xác nhận tại vị trí hầm sập đã từng nhiều lần xảy ra sụt, sạt lở đất.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, trước đây vào tháng 4.2014, Đoàn Kiểm tra Liên ngành của tỉnh đã kiểm tra hiện trường, qua kiểm tra, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã kết luận, hồ sơ quản lý chất lượng công trình của chủ đầu tư còn thiếu theo quy định.

Thời điểm đó đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ đơn vị thi công phải gia cố, xử lý theo quy định nhằm tránh xảy ra các sự cố trong quá trình thi công. Tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, cấp phát đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động cho người lao động theo quy định; tuân thủ biện pháp thi công, các giải pháp về an toàn lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, để xác định chính xác nguyên nhân, ngoài các cơ quan chức năng địa phương cón cần sự phối hợp của các đơn vị, sẽ trưng cầu giám định của C54 (Bộ Công An), Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Nhiều Bộ ngành khác cũng sẽ phải vào cuộc. 

Được đăng vào

Viết bình luận