​Nâng cao ý thức để hạn chế tai nạn lao động

TP.HCM là một trong những địa phương có mật độ xây dựng cao nhất cả nước, cùng với đó là tai nạn lao động trong ngành xây dựng chiếm tỷ lệ không nhỏ.

Thống kê của thanh tra xây dựng TP.HCM cho thấy, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố xảy ra 37 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 41 người chết, nhiều người khác bị thương. Trong đó, số vụ tai nạn liên quan đến lĩnh vực xây dựng là 16 vụ, chiếm 43%.

Do tính chất công việc, những công trường xây dựng ngổn ngang bê tông, sắt thép, thiết bị điện… luôn là nơi “ẩn chứa” nguy cơ cao xảy ra tai nạn. Nhưng sự thờ ơ của các chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng đối với công tác đảm bảo an toàn lao động mới là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ tai nạn trong thời gian qua.

hinh-11-1437190828.jpg

Trên thực tế, đã có không ít vụ tai nạn xuất phát từ việc các nhà thầu không thực hiện đầy đủ quy trình, quy phạm về an toàn vệ sinh lao động, tiết giảm chi phí đầu tư trang thiết bị bảo hộ lao động, hoặc tận dụng những thiết bị cũ không đảm bảo an toàn để thi công.

Nguyên nhân nữa dẫn đến tai nạn trong ngành xây dựng là do ý thức chấp hành an toàn lao động của phần lớn công nhân còn thấp, thiếu kiến thức tự bảo vệ mình trước những nguy hiểm “rình rập” nơi công trường.

Trên địa bàn TP.HCM hiện có hàng trăm nhóm thợ xây lớn nhỏ, phần lớn trong đó là những nông dân tranh thủ lúc nông nhàn đi làm thợ xây để cải thiện thu nhập gia đình.

Do không được trang bị kiến thức cũng như những kỹ năng cơ bản về an toàn lao động nên ở một số công trình xây dựng cao tầng, thường xuyên xảy ra trường hợp thợ xây không sử dụng dây an toàn, không có mũ bảo hộ lao động, đi lại vô tư trên các tấm ván bắc qua giàn giáo. Chỉ một chút bất cẩn, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Bên cạnh đó, thành phố đang có hàng trăm công trình xây dựng sử dụng thiết bị chuyên dụng cỡ lớn như cần cẩu, máy xúc… Theo quy định, để vận hành những thiết bị này, người điều khiển phải có bằng cấp chuyên môn. Thế nhưng, đã xảy ra trường hợp công nhân mới chỉ tập huấn qua loa đã được giao điều khiển máy xúc, cần cẩu.

Đây là thực tế đáng báo động, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn nghiêm trọng, gây nguy hiểm không chỉ đối với công nhân mà còn đe dọa đến sự an toàn của những hộ dân sống xung quanh...

Để hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn tại các công trình xây dựng, giới chuyên gia kiến nghị các cơ quan Nhà nước đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục các biện pháp đảm bảo an toàn lao động cho công nhân tại các công trường xây dựng, qua đó giúp người lao động nâng cao ý thức tự bảo vệ trong quá trình làm việc.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các địa phương trong công tác kiểm tra đối với việc thực hiện các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn lao động tại các công trình xây dựng trên địa bàn; có chế tài xử phạt nghiêm đối với những công trình không thực hiện đầy đủ biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động.

Về phía các nhà đầu tư, chủ thầu xây dựng cần có ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng nhân lực, thực hiện tốt việc giám sát điều kiện lao động của công nhân; thường xuyên tập huấn cho công nhân về công tác đảm bảo an toàn lao động; chú trọng triển khai các biện pháp khác như: treo băng rôn, khẩu hiệu an toàn lao động tại công trường; thành lập ban chuyên trách theo dõi về điều kiện đảm bảo an toàn lao động; đồng thời thường xuyên theo dõi, kịp thời bổ sung trang thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân.

 
Được đăng vào

Viết bình luận