Mỗi tuần một tối kiến: Sự bảo hộ tai hại

Bóng đá Anh đúng là đang rất cần một cuộc cách mạng để gia tăng số lượng tài năng bản địa. Nhưng không có nghĩa rằng sự thay đổi nào cũng sẽ mang đến hiệu quả, đặc biệt là thay đổi theo kiểu “bảo hộ lao động nội địa” mà Gary Neville mới đề xuất…
 
Giữa tuần vừa rồi, Gary Neville, cựu cầu thủ M.U nay chuyển nghề làm BLV bóng đá cho kênh Sky, vừa khiến dư luận Anh trải qua một phen xôn xao. Thực ra nếu Neville đăng đàn phân tích diễn biến của một trận đấu nào đó thì có lẽ cũng không nhiều người "dám" thắc mắc, bởi bản CV hoành tráng (85 lần khoác áo ĐT Anh, 602 trận đấu cùng M.U, 8 chức VĐ Premier League, 2 Champions League và vô số danh hiệu lớn nhỏ khác) của anh là sự đảm bảo không thể chắc chắn hơn về trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, vấn đề là ông anh nhà Neville lại đưa ra nhận định về một vấn đề cực kỳ vĩ mô: cung cách điều hành Premier League, hay nói cụ thể hơn là số lượng cầu thủ nội địa (tính cả Scotland, Wales, Bắc Ireland và Ireland) tối thiểu mà các CLB phải đưa ra sân trong mỗi trận đấu. 
 
“Tuần trước, tôi đã xem một bản danh sách những tân binh ở Premier League. Tôi vẫn cho rằng mình nắm được rất nhiều thông tin về bóng đá, nhưng nói thật là tôi chưa từng nghe tên của 50-60% số người trong đó. Tất nhiên là các cầu thủ ngoại đã nâng cao chất lượng của Premier League, nhưng có vẻ như chúng ta đã đi quá xa” – Neville phát biểu trên tờ Guardian. Và vẫn chưa hết: “Khi tôi bắt đầu sự nghiệp vào giữa những năm 1990, các CLB chỉ được phép sử dụng tối đa 3 cầu thủ nước ngoài trong các trận đấu ở Champions League, và các cầu thủ trẻ đã được hưởng lợi đáng kể từ điều đó. Bây giờ, chúng ta phải tái áp dụng một hệ thống quota, hoặc tương tự như thế, để các CLB có ít nhất 3-4 cầu thủ nội địa trong đội hình ra sân. Hãy nhìn người TBN mà xem, họ liên tục cho ra lò những tài năng sáng giá, còn ĐT Anh thậm chí còn không thể vào đến bán kết của các giải đấu lớn”. 
 
Thoạt nghe thì quan điểm của vị trợ lý HLV “Tam sư” không phải là không có lý bởi trong mùa giải trước, 20 đội bóng ở hạng đấu cao nhất nước Anh chỉ đăng ký tổng cộng 189 cầu thủ nội trong biên chế, thấp hơn rất nhiều so với La Liga (332), Serie A (269), Ligue 1 (320) hay kể cả Bundesliga (224 - nhưng giải VĐQG Đức chỉ có 18 CLB). Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ thì phương án của Neville có hại nhiều hơn lợi. Vướng mắc đầu tiên, và quan trọng nhất, là trên phương diện pháp lý: điều 45, Hiệp ước Rome (quy định về cơ chế hoạt động của Liên minh châu Âu) đã quy định rõ rằng mọi công dân EU (bao gồm cả các cầu thủ) đều có quyền tự do đi lại và làm việc trong tất cả các quốc gia thành viên mà không phải chịu bất kỳ hạn chế nào. Cũng có nghĩa, Premier League không thể đơn phương áp đặt lệnh cấm cầu thủ ngoại bởi nó sẽ mâu thuẫn với hành lang pháp lý chung của EU. Lệnh cấm này sẽ chỉ có thể được thực thi nếu nước Anh rời khỏi EU, hoặc Premier League đạt được một thỏa thuận riêng lẻ với Ủy ban châu Âu (EC) về việc cấm sử dụng hệ thống luật pháp châu Âu để khởi kiện “Quy tắc 3+8” (tạm gọi là thế) mà Neville đề xuất. Tuy nhiên, xác suất để một trong hai khả năng này xảy ra là cực kỳ nhỏ. 
 
Tiếp theo, cứ cho rằng có một điều thần kỳ nào đó xảy ra và khúc mắc về pháp lý được giải quyết đi chăng nữa thì chất lượng của các cầu thủ Anh cũng không thể được nâng lên trong một sớm một chiều. Trên thực tế, vấn đề sâu xa của bóng đá Anh là sự thiếu thốn HLV đủ trình độ chứ không phải cầu thủ. Theo thống kê của UEFA, tính đến mùa giải 2012/13 thì chỉ có 2.769 HLV người Anh có bằng B, A hoặc Pro, trong khi TBN có 23.995 người, Italia có 29.420 và Đức có 34.970. Như vậy, tỷ lệ HLV/cầu thủ ở TBN là 1:17 (cứ 17 cầu thủ thì có 1 HLV), ở Italia là 1:48 còn ở Đức là 1:150, tất cả đều bỏ xa con số 1:182 (mỗi HLV phải phụ trách tới 182 cầu thủ) tại xứ sở sương mù. Với khối lượng công việc cao hơn hẳn, lượng kiến thức mà các HLV ở Anh truyền đạt được đến từng cầu thủ đương nhiên là rất hạn chế và rõ ràng là người Anh khó lòng sản sinh ra nhiều tài năng như TBN hay Đức. Vì thế, việc tăng cường sử dụng cầu thủ nội rất có thể lại gây ra phản ứng ngược và làm giảm chất lượng thi đấu của Premier League cũng như sức cạnh tranh của các CLB Anh trên đấu trường châu lục, điều mà không một ai mong muốn. Giả sử M.U, Chelsea, Man City, Arsenal… liên tục trải qua vài mùa giải thất bát ở Champions League, trong khi các trận đấu ở Premier League bỗng trở về với lối đá truyền thống “kick and rush”, chỉ e giá trị bản quyền truyền hình của nó sẽ không còn là 1,8 tỷ bảng, và lượng khán giả theo dõi cũng không còn là 4,7 tỷ lượt/năm nữa…
Được đăng vào

Viết bình luận