Làng tỷ phú khổ vì rác

Làng Minh Khai (còn được gọi là làng Khoai) thuộc thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) được biết đến với nghề chuyên chế biến nhựa từ rác thải. Vì thế mà làng Khoai trở thành nơi "tập kết" của mọi thứ... phế thải.

Giàu nhờ… rác

Nhắc đến Minh Khai có khi nhiều người không biết, nhưng nói tới làng "tỷ phú từ rác thải" thì mọi người biết ngay đó là làng Khoai. Vào làng bây giờ thấy toàn rác là rác. Sân ngõ nhà nào cũng đầy rác, cùng với các loại máy chế biến rác thải thành đồ dùng tái chế như: Túi xách siêu thị, túi nylon, các loại dây buộc, dây máy bơm các loại, cả đến ống nhựa PVC cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh cũng đều được sản xuất từ… thôn Minh Khai.

Lao động ở Minh Khai dùng tay phân loại rác.

Ông Nguyễn Ích Thăng - Trưởng thôn Minh Khai cho biết: "Theo ước tính của các chủ hộ tái chế rác, bình quân mỗi ngày ngôi làng này tiếp nhận khoảng 160-180 tấn rác thải, phế liệu". Rác "đổ về" sau một thời gian ngắn, được tái chế và được đưa lên xe tải xuất đi khắp nơi.

Còn theo thống kê từ huyện Văn Lâm, hiện ở Minh Khai có khoảng 90% số hộ tham gia thu gom nhựa và có gần 50% số hộ có máy tái chế nhựa. Với số lượng lên tới gần 500 dàn máy đã tạo công ăn việc làm cho hầu hết lao động trong thôn và cả những lao động từ nơi khác đến, với mức thu nhập bình quân mỗi năm từ 2-2,5 triệu đồng/tháng. Vậy là nhờ rác mà kinh tế nơi đây khởi sắc khó tin. Làng xóm "thay da đổi thịt", nhà cao tầng mọc lên san sát, thỉnh thoảng lại có một ngôi biệt thự giá trị hàng chục tỷ đồng nằm nhấp nhô trong làng.

Bệnh cũng từ rác

Ô nhiễm môi trường ở Minh Khai ngày càng nặng nề, người dân đang phải "co mình" nhường chỗ cho những bãi rác ngập đầu, chất cao như núi. Đi vòng quanh làng rất khó để tìm ra một chỗ đất trống, vì họ tận dụng mọi chỗ để chất rác. Đường làng, cầu cống, trường học, kênh mương, cổng nhà văn hoá… đều được tận dụng làm nơi chứa rác thải.

Có mặt tại làng Minh Khai, chúng tôi mới được mục sở thị quy trình chế biến rác thải thủ công mà người dân nơi đây vẫn làm. Tại các xưởng chế biến rác, người lao động không hề được trang bị một thiết bị bảo hộ lao động nào. Chị Nguyễn Thị Hoà - người dân thôn Minh Khai chia sẻ: "Mọi công đoạn chế biến rác từ thu mua, phân loại, phơi khô để đưa vào hệ thống máy sơ chế ép thành các phên nhựa, cho đến chuyển phên nhựa vào máy cắt thành những thanh nhựa để tạo ra các sản phẩm khác nhau, đều được làm bằng tay".

Ô nhiễm môi trường ở Minh Khai ngày càng nặng nề, người dân đang phải "co mình" nhường chỗ cho những bãi rác ngập đầu, chất cao như núi.

Còn với quy trình sản xuất thủ công như vậy, hệ thống nước thải không được xử lý mà xả thẳng ra cống rãnh, kênh mương. Những hôm trời mưa ẩm thấp, những dòng nước thải đen ngòm bị tắc nghẽn tràn lênh láng khắp nơi. Nắng thì mùi hôi thối bốc lên đến ngợp thở. Ruồi nhặng bay vo ve quanh các đống rác, tràn vào trong nhà.

Trưởng thôn Nguyễn Ích Thăng cho biết: Địa phương đã nhiều lần kiến nghị xin được cấp đất để chuyển các cơ sở tái chế rác thành khu biệt lập với khu dân cư nhưng vẫn chưa thấy gì. Hiện nay cả thôn có tới hơn chục hộ có máy tái chế rác, khiến lượng nước thải, khói bụi vượt quá mức quy định. Trong làng hiện có rất nhiều người đã mắc phải các bệnh về hô hấp, da liễu, bị giảm về thị lực, cũng như thính lực...

Được đăng vào

Viết bình luận