Làng nghề sắt thép Đa Hội: Câu chuyện lớn từ... đôi dép

Không đi ủng để đảm bảo an toàn, mà nhiều thợ sắt thép ở Đa Hội (Từ Sơn, Bắc Ninh) vẫn đi dép lê. Sau ca tử vong khủng khiếp vì đi dép lê trượt chân rơi vào lò nấu sắt thép, những đôi ủng đã thay cho đôi dép, nhưng ý thức của thợ vẫn chưa thay đổi nhiều.

Sợ nhưng vẫn... chủ quan

Cho đến giờ, anh Vũ Đình Toàn (Hưng Yên) - đã có hơn 15 năm làm thợ cán sắt thép tại Đa Hội - vẫn ám ảnh bởi cái chết của người bạn đồng hương. Anh này khi đang bốc sắt chuyển lên lò nấu thì bất ngờ bị trượt chân ngã vào chính giữa lò nấu sắt khi đó đang rực cháy. Các đồng nghiệp quá bàng hoàng nên không kịp trở tay.
 
Dù làm việc trong môi trường nguy hiểm,  nhưng các thợ sắt cũng chỉ sử dụng phương tiện  bảo hộ lao động sơ sài.
Dù làm việc trong môi trường nguy hiểm, nhưng các thợ sắt cũng chỉ sử dụng phương tiện bảo hộ lao động sơ sài.

“Cái chết đó quá bất ngờ. Khi đưa được xác ra khỏi lò, mọi người mới biết nguyên nhân anh bạn đó bị ngã là do đi dép lê, không sử dụng ủng bảo hộ. Sau tai nạn đó, anh em đã bảo nhau đi ủng chống trơn trượt và để ý vị trí làm việc”- anh Toàn nói.

Thế nhưng, chuyện tai nạn tại làng nghề sắt thép Đa Hội vẫn như cơm bữa. Quan sát của phóng viên NTNN tại lò nấu sắt ở một cơ sở giữa làng cho thấy vẫn có nhiều thợ làng chủ quan, không sử dụng bảo hộ lao động. Bên lò nấu sắt, anh Vũ Văn Hoàng (quê ở Thái Nguyên) hì hục bốc dỡ những thanh thép lớn nhỏ để chuyển lên lò nấu. Điều kiện làm việc quá nguy hiểm khi anh đứng quá gần lò nấu mà không yêu cầu chủ sử dụng lao động làm các gờ, bệ chắn để tránh trượt chân. Khi làm việc, anh Hoàng không sử dụng đầy đủ các phương tiện bảo hộ như kính chống bụi, mũ bảo hiểm, khẩu trang… mà chỉ dùng găng tay bốc vác thông thường cùng đôi ủng cao su. Giải thích về việc không sử dụng các phương tiện bảo hộ, anh Hoàng cho rằng: “Sử dụng những thứ đấy vướng víu, nên bỏ bớt ra cho thoải mái, mình làm cẩn thận không sợ!”.

An toàn chưa đến trong ý thức

Đa Hội là địa phương có nghề làm sắt thép truyền thống hơn 400 năm nay, thời điểm này, làng nghề không còn náo nhiệt như khoảng thời gian 5 - 6 năm về trước. Tuy nhiên, số lượng người lao động tại địa phương này vẫn còn khá đông, tập trung nhiều tại các xưởng sản xuất lớn. Và không ít người trong số họ vẫn còn khá mơ hồ về vấn đề an toàn lao động.

Theo ông Trần Văn Phúc, hàng năm ở Đa Hội đều ghi nhận có tai nạn lao động chết người. Tuy nhiên, địa phương cũng không có thống kê đầy đủ và báo cáo với cơ quan chức năng vì chủ - thợ thường tự đàm phán với nhau về hỗ trợ điều trị, tử vong.


Theo ông Trần Văn Phúc - Trưởng khu phố Đa Hội, nhiều năm qua, vấn đề an toàn lao động đối với thợ làm nghề sắt thép luôn được chính quyền địa phương kêu gọi, đôn đốc nhắc nhở. Tuy nhiên, “ý thức của người lao động tại các cơ sở còn kém, đa số không sử dụng đầy đủ 100% các dụng cụ đảm bảo an toàn lao động, trong khi máy móc còn lạc hậu, chủ cơ sở không để ý nên đôi khi dẫn đến nhiều trường hợp tai nạn đáng tiếc” – ông Phúc cho biết.

Chị Đỗ Thị Thủy - chủ một cơ sở cán thép lớn ở Đa Hội cũng cho biết: “Nghề làm sắt thép nguy hiểm và nặng nhọc hơn nhiều nghề khác. Khi có tai nạn, chúng tôi cũng liên đới nhiều, đặc biệt là phải có thỏa thuận hỗ trợ khi tai nạn, do đó chúng tôi luôn yêu cầu anh em thợ thuyền tuân thủ đầy đủ quy tắc an toàn lao động, sử dụng khẩu trang, quần áo gọn gàng, kính, mũ bảo hiểm, găng tay... Các thiết bị chống cháy nổ, chập điện cũng được lắp đặt. Tuy nhiên, nhiều thợ mới ở các vùng khác tới vẫn chủ quan nên vẫn còn tai nạn”.
Được đăng vào

Viết bình luận