Lấy người lao động làm trọng tâm, mục tiêu
Tác giả Siu Rơma Sarry là nhân viên phòng Tổ chức lao động & đào tạo của Cty TNHH MTV Cao su Chư Păh. Bài dự thi của Sarry đoạt giải nhì Cuộc thi “Thực hiện tốt quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bền vững” do Báo Lao Động và Quỹ Châu Á tổ chức. Có lẽ, Ban tổ chức Cuộc thi đã nhận thấy những gì Siu Rơma Sarry viết – tức là những gì mà Cty TNHH MTV Cao su Chư Păh đã làm thực sự vì người lao động. Siu Rơma Sarry cho biết Xác định bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động là chức năng trọng tâm của tổ chức Công đoàn nên từ khi thành lập Công đoàn Công ty Cao su Chư Păh nay là Công đoàn Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh đã luôn thực hiện tốt vai trò là tiếng nói của người lao động, là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động trong tất cả các hoạt động, trên nhiều lĩnh vực nơi Công ty đứng chân. Ngoài việc giới thiệu, chia sẻ những hoạt động thiết thực và Công đoàn Công ty đã làm nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động như tham gia xây dựng quy chế lương, thang – bảng lương, định mức công việc; kiểm tra giám sát việc thực thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động thì tác giả Sarry, với tư cách là một đoàn viên Công đoàn làm tại Phòng Tổ chức lao động & đào tạo của Công ty đã có những ý kiến để góp phần cho hoạt động của Công đoàn được tốt hơn. Một trong số những kiến nghị đó, như Siu Rơma Sarry viết trong bài dự thi là Đối với chế độ tiền lương: Hàng tháng cử cán bộ Công đoàn giám sát việc cấp phát tiền lương đến tận tay người lao động đồng thời tiếp xúc với người lao động để nắm bắt những nguyện vọng, những phản ánh của họ; Thực hiện chế độ độc hại: việc cấp phát và sử dụng những mặt hàng trong chế độ độc hại phải đúng quy định và phù hợp với công việc của người lao động; Thực hiện chế độ ăn giữa ca: kiểm tra chất lượng từng bữa ăn, chứng chận an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ sở phụ vụ và vệ sinh nhà ăn cho người lao động; Trang cấp Bảo hộ lao động: việc giám sát trang cấp bảo hộ lao động cho người lao đồng từ khâu kiểm tra chất lượng các mặt hàng, cấp phát cho đến việc hướng dẫn sử dụng các mặt hàng bảo hộ lao động đúng chủng loại và đúng quy định; Khám sức khỏe định kỳ: việc khám sức khỏe định kỳ phải được tổ chức định kỳ hàng năm, cán bộ công đoàn phải theo dõi giám sát việc khám sức khỏe đúng quy định, đúng kỹ thuật, giám sát số lượng người khám và người được khám. Đặc biệt Siu Rơma Sarry khẳng định: Những hoạt động vì lợi ích chính đáng của người lao động phải thường xuyên đổi mới, phong phú và phù hợp với điều kiện thực tế do đó công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cần chú trọng đến thực tế, cần phải đào tạo nhiều cán bộ công đoàn là người dân tộc thiểu số vì họ là những biết và hiểu rõ những tấm tư nguyện vọng của người lao động.
Có thể thấy chính những đề xuất của Sarry cũng xuất phát từ thực tế công việc hằng ngày với lợi thế là người làm việc ngay tại Phòng Tổ chức lao động & đào tạo. Nhưng trên tất cả, chính là trách nhiệm của một người đoàn viên Công đoàn luôn mong muốn tổ chức của mình vững mạnh, thực sự là chỗ dựa cho người lao động với sự chủ động phối hợp với chuyên môn thực hiện tốt quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đúng như tác giả Siu Rơma Sarry viết “Muốn cho những hoạt động vì quyền, lợi ích của người lao động ngày càng hiệu quả thì phải lấy người lao động trọng tâm, mục tiêu. Đảm bảo tốt những quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động là đảm bảo cho Công ty tồn tại”. Có thể coi đây là một kinh nghiệm các doanh nghiệp cần học hỏi, trao đổi để có thể xây dựng được mối quan hệ lao động thực sự hài hòa, ổn định, bền vững tại đơn vị.
Viết bình luận