GS, TS Lê Gia Vinh: Người "đo đạc" vẻ đẹp cuộc sống

Đời sống ngày càng phát triển thúc đẩy con người tìm tới những nhu cầu hiểu biết và ứng dụng mới, như: Thế nào là một gương mặt đẹp, một thân thể cân đối; hay mối liên hệ giữa kích thước cơ thể với thiên hướng nghề nghiệp, giữa kích thước cơ thể với các phương tiện sản xuất (nhà xưởng, ô tô, nơi làm việc)… Những vấn đề thú vị đó nằm trong nội dung của một ngành khoa học độc đáo là: Ngành Nhân trắc học. Tìm hiểu về Đại tá, GS, TS Lê Gia Vinh, chúng tôi không chỉ biết thêm về một lĩnh vực nghiên cứu đang phát triển ở Việt Nam mà còn bồi đắp trong mình lòng kính yêu với những người thầy mặc áo lính.

Cảm hứng với “Ngã tư của các khoa học”

Như một guồng quay không thể khác của một bác sĩ, một quân nhân, một nhà giáo và một nhà quản lý, lịch công việc của ông dày đặc trên vai trò: Trưởng phòng Sau đại học – Giảng viên cao cấp Bộ môn Giải phẫu Học viện Quân y, Chủ tịch Hội Hình thái học, Phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Y học Việt Nam… Tuy vậy người đối diện khó nhận ra sự bận rộn qua phong thái lịch lãm, từ tốn của người Tràng An vốn có nơi ông nếu không được nghe lời trăn trở: “Hơn 10 năm làm công tác Sau đại học, quả thật thời gian dành cho nghiên cứu sâu của tôi hạn hẹp hơn. Tôi nghĩ phải đợi đến khi nghỉ quản lý thì mới tập trung được cho những đề tài mình đang ấp ủ”.

Song khi nhắc đến những công trình đã hoàn thành trong sự nghiệp khoa học, đặc biệt là mảng Nhân trắc học, giọng ông trở nên hứng khởi đầy nhiệt huyết: “Từ những năm ba mươi của thế kỷ trước, Nhân trắc học bắt đầu được chú ý với một số công trình nghiên cứu lẻ tẻ về đo đạc chiều cao, cân nặng của học sinh Hà Nội. Tuy nhiên, phải đến những năm 60-70 của thế kỷ trước, do nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế quốc dân, ngành này mới có bước tiến đáng kể. Bởi lâu nay, các nghiên cứu sản xuất đồ dùng ở nước ta đều lấy chỉ số nhân trắc chủ yếu của châu Âu”. Cũng trong khoảng thời gian đó, khi đang là sinh viên năm thứ ba ngành giải phẫu ở Đại học Y, dưới sự hướng dẫn của GS Nguyễn Quang Quyền vốn chuyên về hình thái học, Lê Gia Vinh đã hoàn thành nghiên cứu đầu tiên trên lĩnh vực này.

GS, TS Lê Gia Vinh, Thư ký Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp quốc gia tại Học viện Quân y (năm 2006).

Từ bấy đến nay đã bốn mươi năm, niềm say mê của ông với ngành học độc đáo này vẫn vẹn nguyên bởi công việc của một nhà Nhân trắc học cho ông những cảm nhận sâu về con người, đất nước: “Càng quan sát tôi càng thấy người Việt Nam tuy vóc dáng nhỏ bé nhưng sức khỏe và ý chí thì không hề nhỏ”. GS Lê Gia Vinh kể lại: “Năm 1984, nhận được tin nhiều công nhân lái xe tại công trình thủy điện Sông Đà bị đau thần kinh tọa, đau cột sống, Học viện Quân y cử một đoàn nghiên cứu trẻ trong đó có tôi xuống tận nơi tìm hiểu thì nhận thấy: Chiếc xe Ben-la có chiều cao từ 1,9 đến 2 mét, buồng lái to, trong khi người điều khiển chỉ cao trung bình 1,6 mét, nặng 50kg nên tầm nhìn hẹp, phải vươn mình lên trước để quan sát đường. Trước tình hình đó chúng tôi đã đo đạc, cải tiến để chiếc ghế ngồi vừa với khổ người công nhân Việt Nam. Chỉ cần có thế, anh em công nhân đỡ hẳn đau lưng, lại hăng hái làm việc, góp phần xây dựng công trình thủy điện tầm cỡ thế kỷ cho đất nước”.

Trong nhân cách khoa học, GS, TS Lê Gia Vinh chịu ảnh hướng lớn từ các người thầy đi trước như GS Nguyễn Quang Quyền, GS Đỗ Xuân Hợp. Gần nửa thế kỷ trôi qua mà ông vẫn không quên một kỷ niệm: “Với ngành phải đo đạc, tính toán như Nhân trắc học thì máy tính và các loại thước đo là rất quan trọng. Những năm bao cấp loại thước đo bề dày lớp mỡ dưới da vừa hiếm lại vừa đắt (đắt hơn chiếc xe Pơ-zô 102 (Peugeot) mà cả nước lúc đó chỉ có 2-3 cái). Một người em của thầy Quyền ở Pháp gửi thư về ngỏ ý muốn tặng thầy một chiếc xe gắn máy đó. Nhưng tôi rất khâm phục đức hy sinh vì nghề nghiệp của thầy khi thầy nói: “Mình đi làm với xe đạp cũng được, thước đo cần hơn”. Vì thế mà trong thời điểm nền kinh tế chuyển đổi sang cơ chế thị trường, khi ngành Nhân trắc học dường như ít có cơ hội bảo đảm tốt cuộc sống hơn các ngành khác thì tấm gương của những người thầy lớn ấy trở thành một chất keo dính gắn kết bền chặt ông với nghề nghiệp đã chọn.

Từng được mời làm giám khảo của cuộc thi Hoa hậu Quý bà đẹp và thành đạt năm 2009, Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam năm 2011, GS, TS Lê Gia Vinh cho biết: “Không chỉ ngành thẩm mỹ mà nhiều ngành khoa học như ngành khảo cổ học, y học thể dục thể thao, bảo hộ lao động, khoa học giáo dục, hình sự pháp y… đều có thể tìm thấy mình trong Nhân trắc học. Chính vì vậy Nhân trắc học được gọi là “Ngã tư của các khoa học”.

 Nét gần gũi của một người thầy

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống bán thuốc đông y ở phố Lãn Ông, Hoàn Kiếm, Hà Nội, lại học ngành y nhưng GS Lê Gia Vinh tự nhận thấy mình là một nhà giáo hơn là một bác sĩ trong ngành y. Ông chia sẻ: “Có lẽ tôi ảnh hưởng chất nhà giáo của gia đình nhiều hơn bởi bố vừa là thầy thuốc đông y vừa là giáo viên dạy Toán và Pháp văn. Các anh trai và chị dâu cả đều đi dạy. Sau này, tôi lại cảm mến phong cách sư phạm trong sáng và gần gũi của các thầy nên càng yêu nghề đứng lớp và tự nhủ phải rèn luyện nhiều về tác phong làm thầy”.

GS, TS Lê Gia Vinh (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế tại buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp quốc gia ngày 24-1-2010. Ảnh nhân vật cung cấp.

Sự dễ gần trong tính cách là điều mà TS Võ Trương Như Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm kỹ thuật cao Răng-Hàm-Mặt, Đại học Y Hà Nội nhớ mãi về GS, TS Lê Gia Vinh. Được làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của GS Vinh từ năm 2007, anh không quên ấn tượng đầu tiên khi gặp ông: “Vốn chưa từng được học thầy Vinh, chỉ nghe mọi người nói rằng thầy là chuyên gia đầu ngành về Nhân trắc học ở Việt Nam, tôi “liều mình” tìm đến Học viện Quân y nhờ thầy hướng dẫn luận án của mình dù không nhờ ai giới thiệu. Tôi không tránh được cảm giác hồi hộp, lo lắng do nghĩ rằng với vị trí của thầy thì rất khó gặp. Không ngờ, sau dáng vẻ oai nghiêm toát ra từ bộ quân phục, thầy cởi mở hỏi tôi về tên đề tài rồi nhận lời giúp đỡ luôn. Nhớ thời gian còn làm luận án, hai thầy trò chạy đua với thời gian. Có nhiều hôm trời tối khuya tôi vẫn đến nhà thầy trao đổi về luận án và luôn được thầy chỉ bảo ân cần”.

Khi nhắc đến thầy Vinh, các học viên đều nhớ đến một người thầy vui tính, nhất là trong các buổi bảo vệ luận án. Đề tài của tôi liên quan đến việc xác định các tiêu chuẩn đánh giá vẻ đẹp của gương mặt người Việt Nam. Đó là một đề tài mới, kiến thức phức tạp, cộng thêm không khí ngột ngạt thường thấy của một buổi bảo vệ luận án làm cho mọi người tham dự có phần căng thẳng. Vậy mà thầy Vinh đã khuấy động cả gian phòng khi mượn lời của một triết gia người Đức để dí dỏm kết luận: “Vẻ đẹp không nằm trên đôi má hồng của người thiếu nữ mà nằm trong đôi mắt của kẻ si tình”.

Còn tôi lại thấy thầy Lê Gia Vinh đúng là một “kẻ si tình” trong khoa học. Bao giờ trong câu chuyện thầy kể cũng phải đệm thêm câu danh ngôn hoặc vần thơ ý nhị. Có rất nhiều bài thơ do thầy sáng tác đượm tình yêu gia đình, cuộc sống. Nhưng đặc biệt ở chỗ tình yêu ấy được hòa quyện với tình yêu lao động. Cô nhà thầy là Nhà giáo Ưu tú Đào Nguyệt Thu, và điều đó có mối liên hệ với một bài thơ của thầy là “Cuộc mổ và ánh trăng”: “Anh lại bước vào phòng mổ/ Khi đêm về tha thiết ánh đèn lên…/ Qua cánh cửa trong căn phòng loang loáng/ Ánh trăng treo vằng vặc giữa trời đêm/ Ôi ánh Trăng Thu biểu tượng của tên em/ Anh đã yêu tự khi nào không biết… / Bệnh cấp cứu chẳng đợi khi trời rạng/ Anh mổ bằng ánh sáng của lòng em/”. Và GS Lê Gia Vinh lý giải cho phần tính cách đó của mình bằng một quan điểm: “Khoa học cần có nghệ thuật, nghệ thuật cần có khoa học, đó mới là sự kết hợp hoàn hảo”.

Năm 2010, GS, TS Lê Gia Vinh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Người thầy gần bước qua ngưỡng tuổi lục tuần hạnh phúc khi chứng kiến sự trưởng thành của các thế hệ học trò, có nhiều người trong họ đã khẳng định được mình trong nền y học nước nhà. Tận tụy với vai trò thầy giáo, nhà quản lý đào tạo, song dường như ông vẫn mang nặng nhiều ưu tư vì chưa tập trung được nhiều cho nghiên cứu khoa học. Chúc cho những đề tài ông đang ấp ủ sớm được khai mở trong tương lai.

Được đăng vào

Viết bình luận