"Giải bài toán" bảo đảm an toàn lao động

Nhà máy Z113, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng là một nhà máy hàng đầu của ngành quân giới đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng quân đội. Một trong những kinh nghiệm để nhà máy luôn khẳng định thương hiệu là coi trọng công tác bảo đảm an toàn...

Có mặt tại Nhà máy Z113, ngay từ ngoài cổng, các loại băng-rôn, khẩu hiệu được trang hoàng nghiêm ngắn. Sự gọn gàng, ngăn nắp của một nhà máy quốc phòng không chỉ làm tăng thêm nét chính quy, mà còn tạo cảm giác an toàn ngay khi đặt chân tới.

Vận hành dây chuyền tinh chế, sản xuất thuốc nổ TNT tại Phân xưởng 1, Xí nghiệp 4.

Giới thiệu về đơn vị mình, Đại tá Trần Quang Hòa, Phó giám đốc phụ trách sản xuất, kể: "Để nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm hàng kinh tế, Nhà máy Z113 đã triển khai các dự án đầu tư mới dây chuyền sản xuất; xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các nhà xưởng sản xuất, kho nguyên liệu; mua sắm các loại máy móc, trang thiết bị công nghệ cao cho sản xuất cơ khí. Từ nhiều năm nay, nhà máy đã duy trì thực hiện quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Thực hiện hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn Nhà nước quy định. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng hàng đầu mà Đảng ủy, chỉ huy nhà máy luôn coi trọng đó là công tác bảo đảm an toàn. Nhà máy đã duy trì nền nếp, hiệu quả các hoạt động của hội đồng bảo hộ lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp. Trong đó chú trọng vai trò làm tham mưu cho Đảng ủy, ban giám đốc nhà máy trong xây dựng các phương án, biện pháp bảo đảm an toàn lao động, đồng thời trực tiếp đôn đốc, vận động các bộ phận chấp hành quy định về vệ sinh an toàn lao động...".

Chúng tôi được biết, Nhà máy Z113 có chức năng chủ yếu là sản xuất các mặt hàng phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng. Bên cạnh đó, nhà máy còn sản xuất những mặt hàng dân sinh như: Các loại thuốc nổ công nghiệp, các loại mũi khoan xoay cầu, ống cống, cột điện bê tông ly tâm... góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội. Do tính chất sản xuất có độ nguy hiểm cao nên công tác bảo đảm an toàn trong sản xuất được triển khai chặt chẽ, chu đáo tới từng lao động.

Thăm các bộ phận sản xuất của nhà máy, chúng tôi gặp anh Phạm Thanh Hùng, công nhân vận hành buồng điều khiển trung tâm Phân xưởng 1, Xí nghiệp 4. Anh Hùng nói với chúng tôi: “Từng bước thực hiện tự động hóa là một trong những đột phá của đơn vị. Tuy lúc đầu tiếp cận anh em cũng còn gặp không ít khó khăn vì hướng dẫn sử dụng thiết bị đều là tiếng nước ngoài. Nhưng từ khi được Việt hóa, chúng tôi đã làm chủ máy móc, việc điều chỉnh, giám sát dễ dàng hơn và đặc biệt mức độ an toàn cao hơn, công nhân cũng yên tâm hơn khi làm việc”.

Tại khu vực sản xuất, anh Phạm Văn Thiện, Tổ trưởng dây chuyền sản xuất thuốc nổ TNT, Phân xưởng 1, cho biết: “Quá trình sản xuất TNT là một trong những quy trình khó, phức tạp và tính chất nguy hiểm rất cao. Vì vậy, mọi công nhân đều phải tuân thủ nghiêm các nguyên tắc như: Công nhân phải được đào tạo, cấp chứng chỉ chính quy. Phải nắm chắc quy trình công nghệ, quy phạm an toàn, nguyên tắc vận hành. Thao tác của công nhân phải thuần thục mới được đứng vào quy trình sản xuất. Ngoài ra, tổ trưởng, trưởng ca phải thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các nguyên tắc bảo đảm an toàn lao động của công nhân như: Mang mặc đầy đủ trang thiết bị bảo hộ, các thao tác vận hành dây chuyền. Trong đó, chúng tôi đặc biệt chú ý quản lý chặt về nhiệt độ khi sản xuất sản phẩm, đây là công việc quan trọng nhất trong bảo đảm an toàn...”. 

Để thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn, nhà máy đã phổ biến kỹ các nội quy, quy trình, quy định về an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ (AT-VSLĐ-PCCN) đến người lao động. Các quy định này cũng được cụ thể hóa và được treo ở các vị trí dễ thấy, dễ đọc. Nhà máy cũng đã quan tâm đầu tư các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động như: Quần áo, găng tay, giày, ủng.... Trong năm 2014, nhà máy đã cấp 2.850 bộ quần áo bảo hộ lao động, đã may 430 bộ quần áo chuyên dụng cấp cho công nhân trong các ngành, nghề đặc thù...

Công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về AT-VSLĐ-PCCN cũng được chú trọng. Năm 2014, nhà máy đã huấn luyện các nội quy, quy định an toàn, phương pháp sử dụng trang, thiết bị chữa cháy và kỹ thuật sơ cứu tại chỗ cho 1.790 lượt cán bộ, công nhân viên. Trong đó, có 704 người được huấn luyện kỹ thuật về an toàn trong sản xuất vật liệu nổ công nghiệp.

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy, công tác AT-VSLĐ-PCCN được Đảng ủy, chỉ huy Nhà máy Z113, chỉ huy các xí nghiệp, phân xưởng quan tâm chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ, nên năm 2014 đã giảm đến mức thấp nhất số người mắc bệnh nghề nghiệp và không có vụ việc mất an toàn trong lao động. Thực hiện tốt công tác AT-VSLĐ-PCCN đã góp phần quan trọng vào nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà máy vững mạnh toàn diện.

Được đăng vào

Viết bình luận