Đã tổ chức hàng ngàn cuộc kiểm tra
Việc ban hành văn bản chi tiết trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) theo chuỗi sản phẩm rau, củ, quả và chè liên quan trực tiếp đến 03 luật, đó là: Luật An toàn thực phẩm; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Bộ Tư pháp cho biết, để triển khai Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật (THPL) trong lĩnh vực này, Bộ Tư pháp đã thành lập Đoàn kiểm tra kết hợp điều tra, khảo sát liên ngành với thành phần gồm đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ để tiến hành kiểm tra tình hình THPL về ATTP theo chuỗi rau, củ, quả và chè tại TP.HCM, Long An và Thái Nguyên.
Qua kiểm tra cho thấy, các quy định của pháp luật về ATTP theo chuỗi sản phẩm rau, củ, quả và chè đã được triển khai tương đối đồng bộ, mức độ tuân thủ có chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, theo báo cáo của 36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (bao gồm các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, nhiều tỉnh, thành phố là các địa phương điển hình về sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả và chè) đã tổ chức 7.959 cuộc kiểm tra, 01 cuộc điều tra, khảo sát về ATTP theo chuỗi sản phẩm rau, củ, quả và chè, đã xử lý 1.201 thông tin liên quan đến ATTP theo chuỗi sản phẩm rau, củ, quả và chè.
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, văn bản quy định chi tiết thi hành Luật ATTP, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã từng bước tạo hành lang pháp lý, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng sản phẩm rau, củ, quả và chè.
Kết quả theo dõi tình hình THPL trong nội dung này cho thấy phần lớn văn bản quy định chi tiết bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ATTP và trong hệ thống pháp luật; đa số văn bản quy định chi tiết bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, vẫn còn một số văn bản quy định chi tiết thi hành còn chưa thống nhất, đồng bộ, khả thi.
Theo kết quả tổng hợp của các Bộ, ngành, địa phương, đã có 02 văn bản đang được kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, các Bộ đang sửa đổi, bổ sung 06 thông tư, thông tư liên tịch. Trong đó có 06 văn bản không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, 07 văn bản không bảo đảm tính khả thi.
Nhiều vi phạm về điều kiện an toàn thực phẩm
Bên cạnh tính đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật, nhiều thông tin “giật mình” cũng đã được đưa ra sau quá trình điều tra, khảo sát.
Số liệu từ báo cáo của các địa phương cho thấy, trong khâu sơ chế, chế biến còn tồn tại nhiều hành vi vi phạm, nổi lên là: Không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; không có giấy khám sức khỏe định kỳ; giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP hết hạn, không sử dụng bảo hộ lao động đầy đủ; cơ sở vật chất kỹ thuật không đảm bảo ATTP: bảo hộ lao động, công tác vệ sinh nhà xưởng, trang thiết bị chưa sạch sẽ.
Qua việc thực hiện thu mẫu giám sát chất lượng sản phẩm nông sản cho thấy, đa phần các cơ sở kinh doanh với quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, số lượng ít nên chưa nắm được các quy định của pháp luật về ATTP trong quá trình kinh doanh thực phẩm, không thực hiện việc ghi chép trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên khó xác định nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không đúng liều lượng, chủng loại vẫn còn diễn ra phổ biến, nhất là đối với các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Nguyên nhân là do nhận thức, ý thức và thói quen của người nông dân.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm chưa đạt được hiệu quả. Đối với vi phạm của người nông dân, các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền chủ yếu chỉ là nhắc nhở mà không xử phạt vi phạm hành chính.
Ngoài ra, có một số lượng lớn hộ kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhỏ lẻ không có giấy phép kinh doanh. Các đối tượng này chỉ buôn bán theo thời vụ, quy mô nhỏ lẻ nên rất khó kiểm soát. Đây là một trong những nguyên nhân của tình trạng kinh doanh, buôn bán các loại thuốc bảo vệ thực vật trái phép dẫn đến việc các loại thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cấm sử dụng nhưng vẫn được lưu thông trên thị trường.
Để hạn chế những bất cập này, một trong những kiến nghị đang được Bộ Tư pháp đề xuất là Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cần khẩn trương xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến ATTP theo chuỗi sản phẩm rau, củ, quả và chè cũng như các nội dung về an toàn thực phẩm trong Luật ATTP, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành và địa phương cũng cần tích cực triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh ATTP; Chiến lược quốc gia ATTP giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030…
Bộ Tư pháp cũng kiến nghị tiếp tục thực hiện phổ biến, tuyên truyền Luật ATTP và các văn bản pháp luật có liên quan tới người dân, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm rau, củ, quả, đồng thời nhân rộng mô hình sản xuất theo chuỗi sản phẩm rau, củ, quả tới nhiều địa phương trên toàn quốc.
Viết bình luận