Coi trọng lợi nhuận, xem nhẹ mạng người

Doanh nghiệp vì lợi ích mà lơ đi công tác bảo hộ lao động và an toàn lao động. Người làm công vì miếng cơm manh áo mà đánh đổi sinh mạng của mình. Cơ quan quản lý nhà nước về an toàn lao động còn yếu, có cũng như không. Những điều đó làm tai nạn lao động (TNLĐ) thêm nghiêm trọng.

 
Công nhân thi công đường cao tốc Sài Gòn - Long Thành - Dầu Giây trên cao nhưng vẫn không đeo dây bảo hộ lao động - Ảnh: Thuận Thắng

Sáu tháng đầu năm 2013, tại TP.HCM có 420 vụ TNLĐ làm chết 56 người, bị thương 392 người. Theo báo cáo thống kê của Hội đồng Bảo trợ lao động TP.HCM, các yếu tố gây TNLĐ được sắp xếp như sau: tai nạn điện có 34/92 số vụ; tai nạn do ngã từ trên cao chiếm 30/92 số vụ; còn lại do vật đè, vật văng bắn, vùi lấp, máy cuốn, máy ép, ngạt khí độc...

Theo chân đoàn thanh tra Sở LĐ-TB&XH kết hợp với Sở Xây dựng TP, chúng tôi đã chứng kiến một thực tế nhức nhối tại các công trình xây dựng hiện nay. Theo quy định hiện hành, chủ đầu tư được quyền tự tổ chức bộ phận giám sát công trình và làm báo cáo nghiệm thu hằng ngày. Tuy nhiên, thực tế chỉ là làm cho có, phần lớn báo cáo đó chỉ là hình thức và giả dối.

Tại một công trình xây dựng chung cư trên đường Mã Lò, quận Bình Tân (TP.HCM), đoàn thanh tra đã xác định một số lỗi nhìn là thấy ngay trên các công trình như: công nhân không đủ đồ bảo hộ lao động, không có giày ủng chống trơn trượt, thiếu dây cứu sinh khi làm việc trên giàn giáo, không cảnh báo nguy hiểm tại khu vực có cần cẩu...

Báo cáo nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư này tuy được lập thành một tập hồ sơ dày theo thời gian thi công nhưng hầu hết các bản nghiệm thu chỉ có chữ ký của người giám sát (cũng là chủ đầu tư), còn nội dung giám sát an toàn công trình xây dựng lại bỏ trống (!).

Một điểm chung ở nhiều công trình xây dựng là vấn đề an toàn lao động cho công nhân khi làm việc trên giàn giáo vẫn chưa được chú trọng.

Trong đó, biện pháp tính toán giàn giáo trước khi thi công hầu như được tiến hành theo cảm tính. Đơn cử như đơn vị thi công tại khu vực Mã Lò, chủ đầu tư mô tả ông ướm chừng theo những môđun biện pháp tính toán giàn giáo có sẵn, không tính toán lại theo thực tế thi công tại công trình. Công trình này cao 28 tầng nhưng dây cứu sinh cho công nhân thi công trên giàn giáo không có quả là đáng ngại.

Trong khi đó, đa số vụ tai nạn chết người trong ngành xây dựng phần lớn theo khảo sát đều do tai nạn giàn giáo. Một số công ty mua bán thiết bị xây dựng tại TP.HCM cho biết: “Thường theo dự toán thi công, phần thiết bị xây dựng chiếm khoảng 10% dự toán công trình. Trong đó giàn giáo phải được mua mới hoàn toàn và tính toán theo kết cấu xây dựng cụ thể. Tuy nhiên vì lợi nhuận, rất nhiều chủ đầu tư, chủ thầu đã mua - thuê lại giàn giáo cũ để sử dụng. Trong khi đó, theo thời gian các giàn giáo tận dụng mua lại phần nhiều bị mục... Chủ thầu vì lợi nhuận đã bất chấp tất cả. Tai nạn từ đó mà ra!”.

Theo thống kê của Hội đồng Bảo trợ lao động TP.HCM, năm 2012 có 98 doanh nghiệp trên địa bàn TP xảy ra tai nạn chết người đã hoàn tất điều tra. Trong đó hầu hết đều bị xử phạt hành chính mức tối thiểu 5 triệu đồng/vụ, tối đa 22,5 triệu đồng/vụ.

Một số vụ nổi cộm như vụ vùi lấp làm chết ba người tại công trình thi công ống nước thuộc Công ty TNHH MTV VLXD và Xây lắp thương mại BMC với kết luận ba lỗi, xử phạt hành chính 22,5 triệu đồng; vụ ngã từ trên cao làm hai người chết tại công trình xây dựng thuộc Công ty liên doanh Fuji Alpha xử phạt hành chính 22,5 triệu đồng... Những con số xử phạt hành chính lạnh lùng và nhẹ nhàng để cảnh cáo hay cảnh báo doanh nghiệp như vậy trong báo cáo thưật đáng băn khoăn về tính răn đe của luật pháp đối với vấn đề an toàn lao động hiện nay.

Thực tế cho thấy luật về xử phạt hiện nay trong an toàn vệ sinh lao động còn chưa bắt kịp thực tiễn. Chẳng hạn, vấn đề giám sát, báo cáo an toàn vệ sinh lao động được giao cho chính doanh nghiệp thực hiện. Chẳng ai lại đi báo cáo mình làm dở. Nếu doanh nghiệp không báo cáo hoặc “quên” báo cáo thì chỉ xử phạt ở mức... nhắc nhở hay cảnh cáo. Coi như huề!

Không phải người lao động không nhìn thấy hiểm họa trong lao động, nhưng “đói đầu gối phải bò”, họ buộc lòng phải chấp nhận đánh đổi sinh mạng hoặc chí ít là mạo hiểm với tính mạng để kiếm cái ăn cái mặc, nuôi con ăn học. Không phải doanh nghiệp không nhìn thấy nguy hiểm cho nhân công của mình, nhưng ở đây lợi ích được đặt cao hơn sinh mạng con người. Cả cơ quan quản lý cũng thế, đôi khi ra quân rầm rộ thanh tra kiểm tra nhưng cũng làm qua loa chiếu lệ, ít ai có thực tâm và thực có trách nhiệm.

LÊ VÂN

Chẳng ai dám đòi hỏi chủ về an toàn lao động

Hầu hết các vụ TNLĐ làm chết người đều có phần lỗi của cả chủ doanh nghiệp và người lao động. Trong hầu hết vụ tai nạn, chủ doanh nghiệp đã coi nhẹ vấn đề an toàn lao động như các quy định về kỹ thuật an toàn, không có bộ phận kiểm tra, giám sát an toàn. Còn người lao động, vấn đề họ quan tâm là tiền công và ít ai dám thương lượng với chủ về hợp đồng lao động, bảo hiểm tai nạn hay bảo hộ lao động.

Trong số 54 vụ tai nạn lao động làm chết người sáu tháng đầu năm 2013 có 17 vụ do không có biện pháp làm việc an toàn.

 
Được đăng vào

Viết bình luận