Bình cứu hỏa đắt hàng sau sự cố cháy chung cư
Không chỉ các gia đình đang sinh sống ở các khu chung cư cao tầng mới trang bị các loại bình chữa cháy, mà nhiều nhà dân ở các khu tập thể cũ, nhà dưới mặt đất cũng tìm mua. Tuy nhiên, trên thị trường có nhiều bình xịt chữa cháy trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không hướng dẫn sử dụng.
Sức mua tăng vọt
Có mặt ở cửa hàng kinh doanh trang thiết bị bảo hộ lao động trên phố Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chúng tôi bắt gặp khá nhiều khách hàng đang chọn lựa bình chữa cháy dành cho gia đình.
Chị Thu Hà, nhà ở phố Hào Nam, quận Đống Đa cho biết: "Nhà tôi nằm trong ngách nhỏ, nếu xảy ra cháy thì xe chữa cháy không vào được. Tốt nhất nên trang bị trong nhà vài bình chữa cháy tại chỗ".
Để phòng chống cháy nổ, các gia đình nên trang bị bình xịt chữa cháy
Không riêng chị Hà, ở Hà Nội hiện nay có hàng chục nghìn hộ dân sinh sống trong các ngõ ngách nhỏ, sâu, các thiết bị an toàn phòng chống cháy nổ hầu như không có. "Tự cứu mình" bằng cách trang bị cho gia đình một số thiết bị bảo vệ khi có cháy xảy ra là phương án đang được nhiều người lựa chọn.
Chị Mai, nhân viên cửa hàng kinh doanh thiết bị bảo hộ lao động trên phố Điện Biên Phủ cho biết, mấy ngày nay sức tiêu thụ bình chữa cháy tại cửa hàng chị tăng vọt. So với các dụng cụ PCCC như vòi xịt, máy bơm, hệ thống báo cháy, phun nước tự động thì bình xịt chữa cháy là mặt hàng dễ mua và thông dụng hơn cả. nhất tại các gia đình hiện nay.
Theo người bán bình xịt chữa cháy tại số 3 phố Yết Kiêu thì trên thị trường hiện có 2 loại bình xịt chữa cháy: bình bột và bình khí CO2. Hạn chế của bình bột là chỉ dùng để chữa cháy các chất lỏng, chất khí và các chất khí hóa lỏng dễ cháy như hoá chất.
Trong khi đó bình CO2 sử dụng để chữa cháy chất rắn, điện hạ thế dưới 1.000V hiệu quả hơn. Tuy nhiên, giá thành của bình CO2 cũng đắt gấp đôi so với bình bột. Nhân viên này tư vấn: "Nếu dùng cho gia đình có thể mua bình F4 và F8 (4kg và 8kg); nếu là cơ quan, xí nghiệp dùng bình 35kg và 45kg. Giá bình CO2 loại F8 là 400 nghìn đồng, loại F4 là 360 nghìn đồng; bình bột loại F4 là 145 nghìn và F8 là 185 nghìn đồng".
Trên thị trường còn có loại bình bột dung tích nhỏ, từ F1 đến F2 dành cho các xe ôtô. Một thiết bị chữa cháy khá mới mẻ trên thị trường nữa là "quả cầu chữa cháy" với trọng lượng 1kg, dễ lắp đặt ở những nơi nhạy cảm về cháy nổ như nhà bếp, cầu dao điện, kho xưởng… với giá thành không quá đắt: 350 nghìn đồng/quả. Theo quảng cáo thì quả cầu này khi tiếp xúc với lửa chỉ trong 3 giây, nó tự động phân huỷ để bắn ra chất dập lửa và báo động bằng âm thanh.
Cảnh giác với bình chữa cháy trôi nổi
Tại các cửa hàng bán bình chữa cháy trên phố Đội Cấn, Điện Biên Phủ, Trường Chinh… hầu hết bên ngoài vỏ bình chữa cháy chỉ có chữ bằng tiếng nước ngoài, không hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, gây khó khăn cho người mua cũng như sử dụng.
Theo nhân viên bán hàng của cửa hàng trang thiết bị bảo hộ lao động tại số 3 Yết Kiêu, các loại bình chữa cháy phần lớn đều có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng không hề thấy có hướng dẫn cũng như tên, xuất xứ nguồn hàng bằng tiếng Việt. Về hướng dẫn sử dụng của những chiếc bình chữa cháy, nhân viên bán hàng chỉ vào những hình ảnh hướng dẫn khá đơn giản trên thân bình: "Chị cứ làm theo như thế này là được". Đặc biệt hơn, khi chúng tôi hỏi về hạn sử dụng của các loại bình chữa cháy, nhân viên bán hàng tỏ ra lúng túng và mập mờ: "Có thể sử dụng khoảng 1 năm hoặc 2 năm. Khi nào thấy hết, chị mang đến cửa hàng để bơm nhiên liệu".
Việc sử dụng các loại bình chữa cháy loại khí hay bột cũng tùy vào điều kiện nhà ở kín hay nhà nhiều sân vườn, tuy nhiên nhân viên bán hàng lại không tư vấn cho khách hàng về điều đó. Ngoài ra, những loại bình này 6 tháng phải bảo hành một lần để tránh bị rò rỉ, hỏng hóc nhưng nhân viên bán hàng cũng không hướng dẫn.
Đề nghị cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra đối với mặt hàng bình chữa cháy đang bán trên thị trường.
Theo Trần Hằng - Nguyễn Hương (CAND)
Viết bình luận