Bảo hộ lao động làng nghề

Ninh Vân là một xã miền núi, nằm ở phía nam huyện Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình). Đây là vùng quê có làng nghề chạm khắc đá truyền thống nổi tiếng. Qua bàn tay của biết bao thế hệ cùng với biến cải thăng trầm của lịch sử, nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Vân đang ngày càng phát triển, giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần nâng cao đời sống người dân, tạo nên diện mạo nông thôn mới.

Một cơ sở sản xuất ở làng nghề đá Ninh Vân.

Tuy nhiên, ẩn sau những sản phẩm đá tinh xảo, mang lại giá trị kinh tế cao là cả một quá trình lao động cực nhọc của người lao động nơi đây. Về Ninh Vân, chứng kiến cảnh hàng nghìn người “vùi mình” làm việc mới hiểu thêm sự vất vả của họ. Cả khu vực làng nghề luôn “đinh tai, nhức óc” bởi tiếng cưa đá, mài đá, cắt đá... Bằng mắt thường cũng dễ dàng nhìn thấy bụi đá phát tán, biến không khí thành một màu trắng đục, rất ngột ngạt. Không chỉ thế, nghệ nhân ở đây còn phải làm việc trong điều kiện thiếu cơ sở vật chất, thiếu các trang thiết bị bảo hộ, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng... Hầu hết các xưởng sản xuất trong làng mặt bằng đều hẹp, thường xen kẽ với nhà ở. Gọi là xưởng sản xuất nhưng thực chất chỉ là những chiếc lán được dựng tạm bợ bằng những tấm bạt mỏng; những ổ điện nằm hớ hênh, thiếu phương tiện đảm bảo như hệ thống đèn chiếu sáng, quạt hút gió, giảm bụi, giảm tiếng ồn… Người lao động nơi đây thường phải tự lo trang bị bảo hộ, ít quan tâm đến việc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Dụng cụ bảo hộ cũng rất thô sơ, thường chỉ là chiếc kính, mũ, găng tay, khẩu trang mỏng... Với cường độ làm việc liên tục và bền bỉ, các loại bụi đá rất dễ xâm nhập vào cơ thể, gây ra các bệnh về phổi, đường hô hấp, mắt... “Dù biết là bụi, là ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng đeo khẩu trang tôi cảm thấy khó thở, lại nóng. Đeo găng tay khi làm thấy vướng víu, còn đeo kính thì bụi làm mờ kính, không nhìn rõ, nên tôi không đeo” - một nghệ nhân địa phương thật thà bộc bạch.

Muốn phát triển bền vững làng nghề đá Ninh Vân nói riêng và các làng nghề khác trong cả nước, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần quy hoạch, phát triển một cách khoa học, hợp lý, có tính đến các yếu tố bảo đảm vệ sinh môi trường, tránh những hệ lụy từ các sản phẩm làng nghề gây ra, đồng thời có chế tài chặt chẽ quy định về công tác bảo hộ lao động trong làng nghề. Đối với các chủ cơ sở sản xuất làng nghề, cần có trách nhiệm hơn trong công tác bảo hộ lao động, trang bị những phương tiện cần thiết cho người lao động; kiểm tra, nhắc nhở họ nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về an toàn lao động. Mặt khác, người lao động cũng phải nâng cao ý thức “tự bảo vệ mình”, tuân thủ đúng các quy định về bảo hộ lao động, chủ động khám bệnh định kỳ, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp để giữ gìn sức khỏe, góp phần xây dựng môi trường lao động lành mạnh tại làng nghề nổi tiếng này.

Được đăng vào

Viết bình luận