Bài 2: Long đong phận rác “dân lập”

Từ năm 2007 đến nay, TP Hồ Chí Minh triển khai công tác xã hội hóa thu gom rác, còn gọi là thu gom rác "dân lập". Tuy mang lại nhiều lợi ích nhưng vấn đề bảo đảm sức khỏe cho người trực tiếp dọn vệ sinh lại chưa được chú trọng. Họ đều tỏ ra bức xúc vì không được hưởng bất kỳ một chế độ chính sách nào, thậm chí đơn giản nhất là được cấp đồ bảo hộ lao động sử dụng khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, độc hại...
 
Nghề nhặt rác luôn đối mặt với bệnh tật, rủi ro.
Nghề nhặt rác luôn đối mặt với bệnh tật, rủi ro.

Ngày nào cũng vậy, khi người Sài Gòn bắt đầu thảnh thơi vì đã hoàn tất công việc trong ngày, những người thu gom rác "dân lập" lại tất bật với công việc của mình. 23h, đường Đặng Thúc Vịnh (huyện Hóc Môn) vắng bóng người qua lại cũng là lúc vợ chồng anh Võ Văn Sơn (36 tuổi, ngụ tại ấp Tam Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) bắt đầu công việc của mình. Đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, vợ chồng anh lặng lẽ cúi nhặt từng túi rác được người dân để dọc các khu dân cư. Mệt mỏi, họ chẳng nói với nhau câu nào. Đêm khuya, tiếng bước chân chậm đều của vợ chồng anh Sơn làm cho phố phường bớt tĩnh lặng. "Những ngày thường, vợ chồng tôi chỉ phải làm ban ngày nhưng vào cuối tuần, lễ tết thì phải làm cả ngày lẫn đêm vì lượng rác phát sinh nhiều hơn", anh Sơn nói.

Với công việc này, mỗi tháng vợ chồng anh Sơn thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng. Anh Sơn và vợ đăng ký thu gom rác với Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Hóc Môn (hình thức xã hội hóa) nhưng không được đóng bảo hiểm, cũng không có bất cứ chế độ đãi ngộ nào. "Chúng tôi chỉ biết đi thu gom rác và lấy tiền hằng tháng, còn các chế độ khác không có. Vẫn biết công việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhưng vì cuộc sống nên chúng tôi phải chấp nhận, đến lúc già yếu thì xin nghỉ", chị Hạnh thở dài.

Theo quan sát của chúng tôi, anh Sơn và chị Hạnh không sử dụng đồ bảo hộ lao động trong lúc làm việc. Chị Hạnh chỉ đeo đôi găng tay mỏng. "Làm nghề này khi còn khỏe thì không sao, chứ đến lúc có tuổi rồi, hay ốm đau bệnh tật, chả biết phải tính thế nào, vì vợ chồng tôi không bằng cấp gì cả. Nghỉ việc coi như mất cơm ăn. Chỉ cần một trong hai người đau ốm thì cả nhà khổ theo. Những ngày làm đêm, khi vợ chồng chúng tôi về nhà cũng gần 2h sáng, hai đứa con đã lăn ra ngủ. Có ngày, vợ chồng tôi chỉ gặp con vài giờ", chị Hạnh cho biết thêm.

Gia đình anh Sơn chỉ là một trong hàng nghìn người ở TP Hồ Chí Minh làm nghề thu gom rác dưới hình thức xã hội hóa. Theo một nghiên cứu gần đây của Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh, lực lượng thu gom rác "dân lập" được xem là không thể thiếu trong lĩnh vực xử lý môi trường của thành phố, nhất là khi lượng rác thải sinh hoạt tăng nhanh. Đến nay, địa phương này đã có hơn 2.000 tổ thu gom rác "dân lập", hoạt động trên địa bàn 24 quận, huyện. Lực lượng này thu gom khoảng 60-70% lượng rác thải của toàn thành phố. Bên cạnh lực lượng "bán chính thức" này còn có các nhóm thu nhặt rác tự quản bằng "hợp đồng miệng" ở các vùng dân cư nhỏ lẻ lên đến cả nghìn người. Nhóm thu gom rác tự phát thường là người ngoại tỉnh lên TP Hồ Chí Minh kiếm sống. Chỉ có hơn 35% người thu gom rác có hộ khẩu thường trú và có hơn 60% họ chưa học hết cấp 3. Vì vậy, họ chủ yếu sử dụng những phương tiện xe kéo nhỏ hoặc xe ba gác tự chế để chuyên chở rác, không hề có ý thức tự bảo vệ bản thân trong môi trường độc hại.

Chúng tôi gặp Nguyễn Hoàng Kha (14 tuổi, ngụ phường Hiệp Thành, Quận 12) khi em đang cùng anh trai thu gom rác tại khu vực Quận 12. Anh em Kha từ Tây Ninh lên TP Hồ Chí Minh đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Kha và anh trai gom góp tiền mua một chiếc xe ba gác nhỏ hằng ngày đi thu gom rác tại các khu dân cư, đồng thời thu lượm những gì có thể bán phế liệu được kiếm thêm. Kha cho biết, công việc này rất vất vả vì phải rong ruổi quanh khu vực dân cư được thuê để lượm rác và lúc nào cũng phải ngửi mùi hôi thối. Ban đầu, Kha còn mua găng tay và khẩu trang để dùng, nhưng sau cảm thấy ngột ngạt, em bỏ không dùng nữa. Cậu bé cho biết, hằng tháng hai anh em kiếm được 3-4 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, anh em Kha gửi về quê được khoảng 1 triệu đồng. "Thế là vui rồi, hai anh em trên này sống sao cũng được, miễn các em ở nhà được ăn học tử tế. Có tháng cũng phải đi vay mượn tiền khắp nơi mới đủ sống, lại phải gửi tiền về cho bố mẹ nuôi em nữa", Kha vô tư nói. Anh em Kha ký hợp đồng "miệng" với một đơn vị tư nhân (theo sự thỏa thuận với Công ty Dịch vụ công ích) nên mọi chế độ bảo hiểm xã hội hay y tế, chăm sóc sức khỏe đều không có.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dũng (46 tuổi, ngụ tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn), người trông coi bãi rác Bà Điểm (thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Hóc Môn) cho biết, những người tham gia thu gom rác tư nhân rất vất vả và luôn phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh tật. Ông Dũng là công nhân trong biên chế công ty nên được hưởng chế độ đãi ngộ đầy đủ, nhưng với những ai chỉ được ký hợp đồng "miệng" thì họ chỉ làm bằng sức khỏe, rủi ro tự chịu chứ không có bất kỳ chế độ nào. "Có một số người tự bỏ tiền mua bảo hiểm, nhưng đa số không quan tâm đến điều đó. Làm ở đây, mùi rác thải, môi trường độc hại nên phần lớn lao động bị các bệnh liên quan đến hô hấp và ngoài da…", ông Dũng nói.
 
Được đăng vào

Viết bình luận